Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương - Kỳ cuối: Kẻ săn thú dữ trên biển

Tuy nhiên, những thiệt hại của phe Đồng minh vẫn nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Chỉ có sức mạnh của nền kinh tế năng động Mỹ mới có thể duy trì được các tuyến vận tải biển. Và một điều đặc biệt quan trọng là việc phát triển một tàu chở dầu tiêu chuẩn (T10 trọng tải 14.000 tấn) và tàu Liberty (10.000 tấn). Cả hai tàu này đều lớn hơn, nhanh hơn và dễ đóng hơn so với những chiềc tàu tương tự trong giai đoạn trước chiến tranh. Tuy được đóng rối và dễ bị hỏng nhưng vào thời điểm này thì số lượng, chứ không phải chất lượng, mới là yếu tố quyết định.

 

Một máy bay tiêm kích hạng nặng Bristol Beaufighter trang bị ngư lôi của Bộ chỉ huy Duyên hải Anh.


Cuộc chiến cứ thế diễn ra giằng co trong 3 năm giữa những thành công đan xen của tàu ngầm U-boat và lực lượng hải chiến Đồng minh. Vào cuối năm 1942 khi cán cân một lần nữa lệch về phía có lợi cho các tàu U-boat, phần vì số lượng tàu ngầm Đức gia tăng, phần vì cơ quan do thám Đức B-Dienst liên tục thành công trong việc phân tích mật mã và định vị mục tiêu, thì cuộc chiến đã bị đẩy lên đến cao trào. Những thiệt hại về vận tải biển của phe Đồng minh dường như còn lớn hơn cả khả năng sản xuất thay thế.


Trên thực tế, ấn tượng về một chiến thắng cận kề của người Đức chỉ là điều hoang tưởng. Các biện pháp chống trả của Đồng minh giờ đây đang tiệm cận ngưỡng một “khối lượng tới hạn”. Đó là một quá trình lâu dài nhưng rốt cuộc việc tập trung máy bay, tàu hộ tống, học thuyết, huấn luyện và công nghệ vũ khí chuẩn bị tạo nên một sức mạnh tổng hợp đè bẹp các tàu ngầm U-boat.

 

Ba giai đoạn tiêu diệt một tàu ngầm U-boat của máy bay ném bom tầm xa Liberator.


Trong số những thành tố cơ bản nhất có Bộ chỉ huy khu vực Western Approaches hải quân-không quân kết hợp do Đô đốc Percy Noble sáng lập tại Liverpool, sự gia tăng mạnh các tàu hộ tống sẵn sàng bảo vệ mỗi đoàn thương thuyền và việc tổ chức các đội tàu hộ tống. Dần dần, khi kỹ thuật và chiến thuật được hoàn thiện, các tàu này trở nên chủ động hơn và quyết liệt hơn trong đòn giáng trả những cuộc tấn công của tàu ngầm Đức.


Dưới sự chỉ huy của Max Horton, người kế nhiệm Đô đốc Percy Noble, một số đội tàu hộ tống đã trở thành “kẻ săn thú dữ” đích thực. Sau khi triển khai thêm các khinh hạm và tàu khu trục, là những con tàu đủ sức bắt kịp tàu ngầm U-boat, và hỏa lực để tiêu diệt “các thủy quái” Đức, quân Đồng minh đã có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào việc hộ tống cự li gần trong khi khuyến khích “các đội tàu yểm trợ” bám lấy con mồi của họ.


Việc Bộ chỉ huy Duyên hải thiếu máy bay là một thực trạng nhức nhối trong quan hệ giữa các lực lượng Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh. Nhà sử học John Keegan cho hay: “Sau khi chiến tranh bùng phát, Bộ Hải quân và Không quân Hoàng gia đã tranh cãi về việc phát triển máy bay tầm xa. Bộ Hải quân lập luận chính xác nhưng tự mãn rằng, sự bảo vệ của các đội tàu hộ tống đã mang lại hiệu quả cao hơn so với các cuộc oanh tạc tuy ngoạn mục nhưng thường không hiệu quả nhằm vào các thành phố Đức.

 

Các binh sĩ Bộ chỉ huy Duyên hải lắp camera trên một máy bay trinh sát.


Bộ chỉ huy Duyên hải ước tính cần 800 máy bay và đặc biệt nhấn mạnh tới nhu cầu đối với máy bay trinh sát và máy bay ném bom tầm xa, bởi các máy bay này cung cấp khả năng trinh sát cho các đội tàu và buộc tàu ngầm U-boat phải lặn sâu, giảm tốc độ, qua đó hạn chế khả năng xác định, tiếp cận và tấn công mục tiêu của “các bầy sói”.


Nhưng vào đầu năm 1942, tất cả máy bay của Bộ chỉ huy Duyên hải đều được chuyển giao cho Bộ chỉ huy Oanh tạc và tất cả máy bay ném bom hạng nặng tầm xa Lancaster mới ra lò cũng chịu chung số phận. Anh gần như đã thua trong Cuộc chiến Đại Tây Dương vì nước này đang tiến hành một cuộc oanh kích chiến lược không thể thắng.


Tuy nhiên, đến đầu năm 1943, quá trình tăng cường lực lượng ở Đại Tây Dương đã tạo ra đủ sức mạnh để khiến thế trận đảo chiều. Bletchley đã liên tục phá vỡ các mật mã của tàu ngầm U-boat và giúp quân Đồng minh gặp thuận lợi hơn bao giờ hết trong cả việc thay đổi các tuyến hải vận lẫn theo dõi các “bầy sói”.


Số lượng tàu hộ tống đông đảo đã cho phép thành lập tới 5 “nhóm tàu yểm trợ” thường trực. 20 máy bay săn tàu ngầm được chở trên 2 tàu sân bay hộ tống, bên cạnh các chiến đấu cơ tầm xa đóng căn cứ trên bờ biển mà đáng chú ý là máy bay oanh kích Liberator của Mỹ. Được trang bị rađa, súng máy, thiết bị chống tàu ngầm Leigh Light và bom chống tàu ngầm, Liberator là “sát thủ săn mồi” đối với bất cứ chiếc U-boat nào bị phát hiện nổi lên trên hoặc lặn ngay dưới mặt nước. Hơn nữa, các tàu hộ tống nay được trang bị rađa các thiết bị khác để phát hiện tàu ngầm cũng như các hệ thống phóng bom chống tàu ngầm Hedgehog và Squid.


Trước đó, đánh hơi thấy mùi chiến thắng, Đô đốc Donitz đã ra lệnh phát động một cuộc tấn công tổng lực bằng tàu ngầm. Nhưng vào tháng 5/1943, với sự do thám, phối hợp và hỏa lực của Đồng minh, Đức tổn thất tới 43 tàu ngầm, nhiều gấp đôi tốc độ thay thế và đạt ngưỡng không thể gánh chịu. Từ tháng 9/1939 đến tháng 5/1943, Hải quân Đức đã mất gần 700 trên tổng số 830 tàu ngầm đưa vào tác chiến, mà đại đa số được triển khai ở Đại Tây Dương. 26.000 người trong tổng số 41.000 thủy thủ phục vụ trên các đội tàu ngầm Đức bị thiệt mạng và 5.000 người khác bị bắt làm tù binh. Tỷ lệ thương vong của các thủy thủ đoàn trên các tàu ngầm U-boat là 75%.


Ngày 24/5, viên tư lệnh lực lượng tàu ngầm Đức đã thừa nhận thất bại và rút về các “bầy sói” tả tơi. Trong cuốn hồi ký sau đó của mình, Donitz tuyên bố: “Chúng ta đã thua trong Cuộc chiến Đại Tây Dương”.


Về phần mình, tính đến tháng 5/1943, phe Đồng minh mất 2.450 thương thuyền với tổng tải trọng 13 triệu tấn cùng 175 tàu chiến. Họ buộc phải dồn một phần đáng kể sức sản xuất chiến tranh vào Cuộc chiến Đại Tây Dương và các nỗ lực chiến tranh khác để bù đắp cho những thiệt hại từ các tàu buôn bị đắm. Không thể đưa ra những tính toán chính xác, song người ta có thể dám chắc rằng phí tổn chiến tranh của phe Đồng minh lớn hơn gấp nhiều lần so với những nguồn lực mà người Đức dồn vào hạm đội tàu ngầm của họ.


Huy Lê

Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương - Kỳ II: Cơn ác mộng biển cả
Bên thắng cuộc ở Đại Tây Dương - Kỳ II: Cơn ác mộng biển cả

Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945) từng mô tả nước Mỹ là “kho vũ khí dân chủ”. Nhưng đó cũng là kho vũ khí độc tài. Trong thời gian từ tháng 3/1941 đến tháng 10/1945, Mỹ đã cung cấp cho Liên Xô 2.000 đầu máy xe lửa, 11.000 xe goòng, 540.000 tấn đường ray...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN