50 năm chiến thắng phong tỏa sông biển miền Bắc 1973

Bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, từ tháng 2/1967 đến tháng 1/1973, đế quốc Mỹ đã dùng thủy lôi, bom từ trường phong tỏa các cửa sông, bến cảng, đường biển, bến phà quan trọng ở miền Bắc nước ta.

Âm mưu của Mỹ là nhằm gây khó khăn cho ta trong việc tiếp nhận hàng hóa viện trợ của nước ngoài, làm gián đoạn giao thông thủy, bộ, ngăn chặn sự chi viện của ta cho các chiến trường.

Song, với quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường của địch. 

Chú thích ảnh
Hình ảnh tư liệu được giới thiệu tại Hội thảo khoa học “Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc (1967- 1973) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”, sáng 26/6/2023, tại Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Địch thả thì ta phá gỡ

Năm 1967, đế quốc Mỹ đẩy mạnh việc đánh phá bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta. Chúng thả thủy lôi, bom từ trường xuống các bến cảng, cửa sông, ven biển, các khu tập kết chuyển tải hàng hóa và các bến phà trên sông, biển miền Bắc hòng ngăn chặn, cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải sông, biển của ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Chúng thả nhiều đợt, mỗi đợt thực hiện theo một phương thức mới, kết hợp nhiều loại thủy lôi, bom mìn có sự cải tiến và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn; những khu vực trọng điểm chúng thả với mật độ dày hơn.

Từ tháng 2 năm 1967 đến tháng 10 năm 1968, đế quốc Mỹ đã thả 74.718 quả thủy lôi, bom mìn các loại, trong đó có gần 7.000 quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa 24 cửa sông, biển lớn nhỏ từ Cửa Tùng (Vĩnh Linh) đến cửa sông Văn Úc (Hải Phòng). Những loại thủy lôi và bom từ trường luôn được chúng cải tiến để chống ta tháo gỡ, làm mất tác dụng chiến đấu.

Ngày 1/6/1966, Thường vụ Quân ủy Trung ương xác định: “Vấn đề chống phong tỏa các cảng là một nhiệm vụ cấp thiết” và chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân tích cực nghiên cứu kế hoạch, chuẩn bị đối phó. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân làm đề án phòng, chống địch phong tỏa thủy lôi và giúp cấp trên chỉ đạo về chuyên môn.

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Hải quân đã tổ chức hội nghị hiệp đồng chống phong tỏa thủy lôi với Quân khu 3, Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang và Công an vũ trang Hải Phòng; phân công trách nhiệm cho từng lực lượng. Trong đó, Hải quân tổ chức đội phá thủy lôi, có trách nhiệm nghiên cứu kỹ thuật, tìm cách tháo gỡ và huấn luyện, hướng dẫn cho lực lượng của các tỉnh, quân khu và lực lượng liên quan khác tham gia tháo gỡ, rà phá thủy lôi. Hải quân cũng thành lập Đội 8 công binh nghiên cứu cách phòng, chống địch phong tỏa bằng thủy lôi; đề xuất việc sử dụng các phương tiện, trang bị rà phá; tổ chức mạng lưới thông tin quan sát thủy lôi; làm nòng cốt rà phá, tháo gỡ thủy lôi khi địch phong tỏa; tổ chức huấn luyện cho các lực lượng trong và ngoài quân đội.

Đầu năm 1967, nhận được tin địch thả thủy lôi phong tỏa 4 cửa sông lớn thuộc Quân khu 4, Hải quân đã cho công binh vào Khu 4 phối hợp với lực lượng tại chỗ để tìm cách tháo gỡ, rà phá. Ở bãi sông gần bến phà sông Gianh, công binh vớt được một quả thủy lôi cảm ứng âm thanh và một quả thủy lôi cảm ứng từ trường. Hai quả thủy lôi hiện đại của địch đã được Công binh Hải quân tháo gỡ an toàn, vô hiệu chúng và mang về nghiên cứu kỹ thuật, nhanh chóng giải phóng các luồng lạch.

Sau đó, Hải quân đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các phương tiện, thiết bị rà phá thủy lôi như HDL-9, HT-5, HT-6, từ đó tiến hành sản xuất hàng loạt các thiết bị rà phá để cung cấp cho các lực lượng tham gia chống đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên các vùng sông biển miền Bắc Việt Nam.

Trong hai năm (1967 - 1968), với vai trò nòng cốt, chủ lực, Hải quân đã phối hợp với lực lượng của các quân khu, quân binh chủng và địa phương ven biển sử dụng các phương tiện hiện đại kết hợp với thô sơ, rà phá được 8.851 quả thủy lôi và bom từ trường.

Ngày 31/10/1968, Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam, thì 2 ngày sau, Hải quân đã hoàn thành thông luồng để dẫn tàu 300 tấn chở hàng vào các cảng Bến Thủy, sông Gianh, Đồng Hới an toàn, đánh dấu thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ trong cuộc phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường lần thứ nhất trên sông biển miền Bắc nước ta.

Đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi

Với âm mưu mới, đầu tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường trên khắp các luồng lạch, sông biển miền Bắc với tính chất, mức độ khốc liệt hơn rất nhiều so với cuộc phong tỏa trước đây.

Để chủ động đối phó với âm mưu của địch, Hải quân đã quyết định thành lập tiểu đoàn tàu rà phá thủy lôi; đồng thời khẩn trương tìm kiếm, trục vớt, tháo gỡ để xác minh xem địch thả loại thủy lôi gì và tìm hiểu, khám phá bằng được những cải tiến mới của các loại vũ khí mà địch sử dụng phong tỏa, để trên cơ sở đó nghiên cứu chế tạo các loại khí tài rà phá có hiệu quả.

Do dự báo trước và chủ động tiến hành sớm công tác chuẩn bị nên ngày 9/5/1972, chỉ vài giờ sau khi địch thả thủy lôi ở luồng Nam Triệu (Hải Phòng), Hải quân đã điều lực lượng đến rà phá. Ngày 15/5/1972, Công binh Hải quân đã tháo gỡ thành công, “bắt sống” được quả thủy lôi đầu tiên trong cuộc phong tỏa lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Đây là quả thủy lôi cảm ứng từ trường MK-52 đã được cải tiến mới rất tinh vi, nặng tới 544 kg và có sức công phá rất mạnh.

Cùng với việc tập trung nghiên cứu chế tạo phương tiện rà phá mới, Hải quân phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường củng cố mạng lưới quan sát phát hiện thủy lôi, chủ động phát huy sáng kiến, tìm cách phá gỡ thủy lôi, bom mìn bằng cải tiến những khí tài đã có trong cuộc chống phong tỏa lần thứ nhất của địch. Đến ngày 18/5/1972, Hải quân đã mở thông luồng từ cảng Gianh đến khu chuyển tải Hòn La. Đó là thành tích thông luồng đầu tiên của Hải quân cũng là của quân, dân miền Bắc trong chống cuộc phong tỏa sông, biển lần thứ hai của đế quốc Mỹ.

Từ cuối tháng 5 đến tháng 7 năm 1972, Hải quân đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công và cho ra đời những thiết bị, phương tiện hiện đại để phá thủy lôi MK-52 của địch. Quân chủng cũng huy động lực lượng thực hiện rà phá trên những địa bàn quan trọng, như: vùng biển Đông Bắc, ven biển từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh, Cửa Việt; trọng điểm là vùng biển Hải Phòng, tập trung khai thông luồng chính Nam Triệu và các luồng Lạch Huyện - Cát Bà, Cửa Cấm - Đồ Sơn...

Phát hiện ta phá thủy lôi, đế quốc Mỹ tìm mọi cách đối phó. Cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 1972, địch đã thả bổ sung hơn 1.400 quả thủy lôi, bom từ trường xuống các tuyến vận chuyển quan trọng, gây cho ta thêm những khó khăn, thiệt hại mới.

Với tinh thần quyết tâm “đánh địch mà tiến, mở luồng mà đi”, cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã mò vớt, tháo gỡ được nhiều quả lôi, khám phá ra bí mật của chúng và liên tiếp các bãi lôi của địch bị phá hủy.

Ngày 4/10/1972, địch lại thả bổ sung 400 quả thủy lôi, bom từ trường xuống luồng vận chuyển Quảng Ninh - Hải Phòng. Hải quân đã tập trung rà phá mở luồng trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm cho vận chuyển chi viện chiến trường.

Sau một thời gian mở rộng chiến tranh với những hành động quân sự liều lĩnh, nhưng không có kết quả, ngày 22/10/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom và bắn phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra.

Trước thời cơ mới, Hải quân đã tranh thủ thời gian địch tạm ngừng đánh phá, huy động tàu, ca nô phối hợp cùng với lực lượng, ngày đêm rà phá lôi ở khu vực trọng điểm Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngày 24/10/1972, luồng Nam Triệu đã khai thông, bảo đảm các tàu dưới 400 tấn ra vào cảng Hải Phòng an toàn.

Cuối năm 1972, Mỹ tiếp tục thả hàng loạt thủy lôi xuống cửa Nam Triệu, cảng Hải Phòng, luồng Lạch Miều vào Hòn Gai… Đến ngày 15/1/1973, chúng mới chấm dứt việc thả thủy lôi ở khu vực sông, biển phía Nam Quân khu 4.

Tháng 1/1973, Hải quân phối hợp với Cục Vận tải đường biển tổ chức rà quét khai thông luồng Nam Triệu vào cảng Hải Phòng, bảo đảm cho các tàu thuyền hàng ngàn tấn của ta và quốc tế ra vào cảng an toàn.

Ngay sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân lập đề án, tổ chức lực lượng rà phá thủy lôi, bom từ trường của địch thả trong chiến tranh, bảo đảm an toàn hệ thống giao thông thủy để phục vụ công cuộc khôi phục, xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và củng cố quốc phòng; đồng thời giám sát mọi hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ vào rà phá thủy lôi ở vùng biển miền Bắc theo quy định của Hiệp định Paris.

Trước yêu cầu cấp bách của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Hải quân quyết định huy động toàn bộ lực lượng rà phá thủy lôi của Quân chủng phối hợp với các lực lượng chống phong tỏa của các đơn vị trong và ngoài quân đội, tiến hành rà quét, giải quyết triệt để các bãi thủy lôi của địch.

Sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược từ hướng biển

Nhìn nhận kết quả cụ thể của quân và dân ta trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết: Tính từ tháng 2/1967 đến tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống miền Bắc nước ta hơn 90 nghìn quả thủy lôi, bom mìn các loại; trong đó có gần 15.000 quả thủy lôi và bom từ trường.

Với tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, Quân chủng Hải quân đã cùng với quân, dân miền Bắc phá hủy được 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ trên sông, biển miền Bắc nước ta những năm 1967-1968 và 1972-1973.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, thắng lợi này đã khẳng định tài thao lược trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân và sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân. Đó là thắng lợi của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và nghệ thuật tác chiến Hải quân nói riêng; của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

Chiến công này còn có ý nghĩa cả về quân sự và chính trị, đặc biệt là về khoa học công nghệ quân sự trên chiến trường sông, biển. Đó là cơ sở lý luận và thực tiễn quý báu để Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu vận dụng, bổ sung hoàn thiện những cách đánh mới phù hợp, nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc,  góp phần không ngừng phát triển lý luận quân sự Hải quân.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường để lại nhiều bài học quý giá. Đó là cơ sở để thế hệ cán bộ, chiến sỹ Hải quân hôm nay nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và phương thức tác chiến của chúng từ hướng biển, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, nổi bật là bài học về quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, đề cao cảnh giác, nắm chắc tình hình; chăm lo xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị; chuẩn bị toàn diện về tư tưởng, lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, xử lý kịp thời, không để bị bất ngờ; bình tĩnh, khôn khéo, kiên trì, kiên quyết; bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Khẳng định giá trị lịch sử của chiến công chống phong tỏa sông biển miền Bắc 1973
Khẳng định giá trị lịch sử của chiến công chống phong tỏa sông biển miền Bắc 1973

Ngày 26/6, tại cơ quan BTL Hải quân, thành phố Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức hội thảo khoa học 50 năm Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (27/6/1973 - 27/6/2023) với chủ đề “Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc 1973 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN