Cách đây 100 năm, vào ngày 23/12/1913, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ký Luật Dự trữ Liên bang, qua đó thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngày kỷ niệm 23/12 năm nay đánh dấu một mốc lịch sử đáng ghi nhớ của FED với việc chuẩn bị tháo gói kích thích kinh tế kể từ khi chương trình nới lỏng định lượng được Chủ tịch FED Ben Bernanke đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ra đời cùng sợ hãi
Có thể nói một cách không ngoa rằng, FED được sinh ra cùng với nỗi sợ hãi. Ngay sau khi nước Mỹ được thành lập, Quốc hội đã hai lần có ý định thành lập một ngân hàng trung ương (NHTW), nhưng nỗ lực này đã thất bại do vấp phải sự phản đối về việc tập trung quyền lực tài chính. Tuy nhiên, một loạt biến động trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ vào các năm 1873, 1893 và 1907 cho thấy một hệ thống NHTW là cần thiết để điều phối thị trường.
Sau cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng năm 1907, Quốc hội Mỹ thành lập Ủy ban tiền tệ quốc gia với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng. Nelson Aldrich - người đứng đầu đảng Cộng hòa ở Quốc hội đồng thời là chuyên gia tài chính, được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban. Ông đã chỉ đạo một cuộc khảo sát tường tận các NHTW châu Âu và nhận thấy rằng Anh và Đức là hai nước có các NHTW ưu việt hơn hẳn.
Năm 1910, sau khi cùng các chuyên viên đại diện của các định chế tài chính lớn khi đó là J.P. Morgan, Rockefeller... dành riêng một tuần thảo luận tại đảo Jekyll (ngoài khơi bang Georgia), Aldrich đã giới thiệu kế hoạch của ông về NHTW với tên “dự luật Aldrich”, đề xuất thành lập "Hiệp hội Dự trữ liên bang". Dự luật này trở thành một phần trong chính sách của đảng Cộng hòa ở Quốc hội nhưng không được phê chuẩn năm 1911, khi đa số Quốc hội thuộc về đảng Dân chủ.
Đến năm 1912, trong quá trình tranh cử Tổng thống, nghị sĩ đảng Dân chủ Woodrow Wilson tiếp tục công kích kế hoạch của Aldrich. Vì vậy, ngay sau khi trúng cử và trở thành tổng thống, ông chỉ đạo Quốc hội viết lại kế hoạch và giảm thiểu tầm ảnh hưởng của các lãnh đạo của 12 ngân hàng địa phương tạo nên mạng lưới của FED. Ông cũng bổ sung thêm một hội đồng được bổ nhiệm bởi tổng thống để giám sát 12 ngân hàng này.
Quyết định thành lập FED được báo chí Mỹ đưa tin. |
Nhiệm vụ ban đầu của FED chỉ đơn giản là cung cấp một “đồng tiền linh hoạt”. Tiền tệ của FED sẽ là nghĩa vụ của chính phủ chứ không phải của các ngân hàng. Do đó, những người lãnh đạo ngân hàng không đồng tình với cơ chế này. Tuy nhiên, Wilson vẫn kiên định với kế hoạch của mình và ký vào dự luật mà từ đó FED ra đời vào ngày 23/12/1913. FED chính thức đi vào hoạt động năm 1915 và đóng vai trò chủ chốt tài trợ các nỗ lực chiến tranh của Mỹ và phe liên minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Frank Vanderlip, người đã tham gia hội nghị ở đảo Jekyll và là chủ tịch National City Bank, viết trong tự truyện của mình rằng “mặc dù kế hoạch về Quỹ dự trữ liên bang của Aldrich đã không được thông qua với cái tên của chính ông, nhưng những điểm cơ bản của nó đều nằm trong dự luật sau này được thông qua”.
Ngân hàng trung ương đặc biệt
Có thể nói cấu trúc của FED rất khác biệt so với các NHTW khác. Ở FED tồn tại 4 cấp: Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường mở (FOMC), 12 ngân hàng chi nhánh và các ngân hàng thành viên khác nhỏ hơn.
Các lãnh đạo của FED năm 1917. |
Hội đồng Thống đốc là bộ phận chịu trách nhiệm về phần lớn các chính sách tiền tệ. 7 người nằm trong hội đồng này được tổng thống đề cử và được Thượng viện thông qua. Hội đồng Thống đốc của FED là cơ quan độc lập của chính phủ liên bang, không chịu sự can thiệp của Quốc hội, các thành viên của hội đồng được quyền miễn yêu cầu của các cơ quan lập pháp và hành pháp, nhưng định kỳ phải báo cáo trước Quốc hội.
Cấp tiếp theo là FOMC - ủy ban gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc cùng với chủ tịch của 5 ngân hàng chi nhánh. FOMC thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở.
12 ngân hàng chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ nhỏ hơn. Mỗi ngân hàng có một chủ tịch và kiểm soát hàng nghìn ngân hàng thành viên trong khu vực đó.
Từng bước khẳng định vị thế
Trong những năm mới thành lập, FED quản lý một khối lượng tiền thông qua các hoạt động mua bán vàng và tăng giảm "tỷ lệ chiết khấu" đối với những khoản tiền mà cơ quan này cho các ngân hàng vay. Tuy nhiên, Benjamin Strong, lãnh đạo chi nhánh FED tại New York, nhận ra rằng vàng không còn đóng vai trò là nhân tố chính trong điều hành tín dụng của nền kinh tế. Bằng việc bán ra một lượng lớn trái phiếu chính phủ năm 1923, Strong nhận thấy có thể bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và giảm tỷ lệ lãi suất. Từ đây, FED dần chuyển mình từ một cơ quan cho vay khẩn cấp thành một kỹ sư của nền kinh tế thông qua việc cung cấp tín dụng.
Trong suốt thời kỳ Đại khủng hoảng, FED lại trở về thế bị động, hạn chế hoạt động trên thị trường mở và cho phép hàng ngàn ngân hàng sụp đổ. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn là điều gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên có một điều chắc chắn: các ngân hàng không yêu cầu tín dụng và do đó FED không làm điều đó, khiến thị trường tiền tệ bị thắt chặt bất chấp giá cả và sản lượng đều sụt giảm.
Năm 1932, cựu Tổng thống Franklin Roosevelt đắc cử và thực hiện đại tu toàn bộ hệ thống tài chính. Ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư hoàn toàn tách biệt, cơ chế bảo hiểm tiền gửi ra đời và FED có nhiều quyền lực hơn đối với nền kinh tế. FED có thể cho nhiều định chế tài chính vay tiền và nhận nhiều loại tài sản đảm bảo hơn. Ủy ban thị trường mở ra đời, có ảnh hưởng lớn đến “điều kiện tín dụng của nước Mỹ”.
FED giúp nền kinh tế Mỹ thịnh vượng trong những năm 1950 và 1960. Tuy nhiên, quá chú trọng vào thị trường việc làm khiến FED quên mất lạm phát. Tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên mức hai con số trong những năm 1970. Tình trạng này buộc Quốc hội phải quy định lại hai nhiệm vụ của FED vào năm 1977: ổn định giá cả và tạo việc làm.
Năm 1979, Volcker trở thành Chủ tịch FED và đã thành công khi chiến đấu với lạm phát. Người kế nhiệm ông là Alan Greenspan đã duy trì tình trạng lạm phát ở mức thấp.
(Còn tiếp)
Lê Hoàng