Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút bớt khí tài, lực lượng hôm 14/3 vừa qua, nhiều người đoán rằng chiếc Yauza, một tàu phá băng với sứ mệnh tiếp tế, sẽ trở về căn cứ ở Bắc cực. Thực tế lại không như vậy, chỉ 3 ngày sau đó, con tàu thuộc nhóm “Tốc hành Syria” (Syria Express) – biệt danh đội tàu tiếp tế cho lực lượng Nga ở Địa Trung Hải, đã rời cảng Novorosiysk ở Biển Đen để đến Tartus, quân cảng của Nga tại Syria. Không rõ Yauza chở những gì, nhưng nó di chuyển rất chậm, dường như chất đầy hàng, bởi mép boong gần sát mặt nước.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Caesar Kunikov của Nga. Ảnh: Reuters |
Hành trình của Yauza cùng với hoạt động ra-vào Syria của nhiều tàu vận tải Nga trong khoảng thời gian 2 tuần sau tuyên bố rút một phần lực lượng cho thấy, trên thực tế lượng vũ khí, hàng tiếp ứng mà Moskva chuyển tới Syria có thể lớn hơn nhiều số khí tài rút về nước - một chuyên gia phân tích tại Reuters nhìn nhận. Động thái này (dù chỉ là qua theo dõi) chứng tỏ Nga vẫn đang nỗ lực duy trì tiềm lực, hạ tầng quân sự ở Syria; trợ giúp để quân đội Syria có đủ sức mạnh chiến đấu trong tình huống khẩn thiết.
Ông Putin không nói cụ thể đằng sau quyết định thoái lui này là gì. Nhưng chắc chắn rằng bất kì mối đe dọa nào đối với căn cứ của Nga ở Syria, cũng như kịch bản chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad gặp nguy hiểm, Moskva dư sức nhanh chóng đáp trả mạnh mẽ.
Nga hiện duy trì hoạt động tại căn cứ không quân ở Hmeymim và căn cứ hải quân ở Tartus với lời khẳng định “chúng cần được bảo vệ tốt”. Liên quan đến hoạt động vận tải này bằng tàu này, Mikhail Barrbanov, chuyên gia cao cấp tại Tổ chức nghiên cứu quân sự CAST có trụ sở ở Moskva bình luận: Do lực lượng chủ chốt của Nga trên thực tế vẫn được giữ lại Syria, nên không có lý do gì để giảm việc chuyên chở và “nguồn tiếp ứng cho quân đội Syria vẫn sẽ rất đáng kể”.
Điện Kremlin không tiết lộ quy mô lực lượng ở Syria, không nói rõ lộ trình “thoái lui”, nhưng ước tính khoảng một nửa (trong tổng số 36 máy bay chiến đấu cánh cố định của Nga ở Syria) đã rút về nước. Thế nhưng việc khảo cứu dữ liệu chở hàng kết hợp với các nguồn tin chính thông và nguồn tin an ninh đường biển “rò rỉ”, ảnh chụp các tàu Nga qua lại eo biển Bosphorus cho thấy, dường như không có sự suy giảm trong hoạt động của đội tàu "Syrian Express". Phân tích của Reuters chỉ ra rằng, Moskva thậm chí còn gia tăng sức mạnh hải quân ở Syria, với lượng tàu chiến hiện diện nhiều hơn so với thời kì trước ngày 14/3. Vai trò của cụm tàu chiến (hơn 10 chiếc) này là để bảo vệ tàu vận tải, bảo đảm Nga vẫn dư sức phóng tên lửa hành trình từ biển, thị uy sức mạnh trước phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan đến tàu tiếp tế, hậu cần, kể từ sau thời điểm tuyên bố rút lực lượng, Nga điều hai tàu đổ bộ chuyên làm nhiệm vụ chở quân và thiết giáp – chiếc Caesar Kunikov và Saratov tới Địa Trung Hải, cùng với tàu tiếp tế Yauza. Khi tàu Saratov đi qua eo biển Bosphorus hôm 25/3 để tiến về Syria, mép tàu ở gần sát nước, khác hẳn với hình ảnh mạn tàu nhô cao khi nó từ Địa Trung Hải trở về Nga trên cùng một tuyến đường. Tương tự vậy chuyến đi của tàu Alexander Otrakovsky và Dvinitsa-50 đến Syria hồi đầu tháng 3.
Tàu vận tải Minsk cũng đã lên đường tới Syria, khi vượt qua eo biển Bosphorous hôm 29/3. Trước đó ít ngày, chiếc phà Alexander Tkachenko có lẽ cũng đã cập cảng ở Syria, với nhiều xe quân sự trên khoang. Tựu trung lại, đã có 5 tàu vận tải, hậu cần chở đầy “hàng” tới Syria chỉ trong vòng 2 tuần sau tuyên bố của ông Putin.