Trung Quốc đang làm “xói mòn” ưu thế tàu ngầm của Mỹ

Tháng 1/2011, trang bìa của tạp chí hải quân Trung Quốc "Những chiếc tàu chiến hiện đại", do tập đoàn đóng tàu nhà nước CSIC xuất bản, có một tiêu đề đơn giản: "056 đã đến". Đánh giá về quá trình phát triển trong lĩnh vực đóng tàu cho thấy, trong vòng 4 năm rưỡi, Bắc Kinh đã xây dựng gần 20 kiểu tàu khu trục hoặc tàu hộ tống hạng nhẹ mới.

Theo chuyên gia Lyle J. Goldstein, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) tại Đại học Chiến tranh Mỹ, so với Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã hạ thủy ít hơn một nửa số tàu chiến nổi, tàu chiến đấu ven biển (LCS), trong một khoảng thời gian dài hơn. Nếu để ý sẽ thấy các tàu LCS của Mỹ vẫn thiếu tên lửa chống tàu (ASCM), do đó, rõ ràng là nó có nguy cơ “dễ bị tổn thương” khi đối đầu với các biến thể của Trung Quốc.

Nhưng điều thực sự ấn tượng về tàu Type 056 là khả năng của nó có thể lấp vào lỗ hổng đang rất cần thiết trong kho vũ khí của Hải quân Trung Quốc: tàu tuần tra nhỏ, giá rẻ, đa năng, mạnh mẽ đồng thời cũng là tàu tuần tra được vũ trang tốt để có thể hỗ trợ hoặc hiện diện ở những khu vực xung đột hàng hải ở cự ly gần.

Ưu thế tác chiến tàu ngầm của Hải quân Mỹ đang dần mất đi trước Trung Quốc.


Năm ngoái, hai trang bìa của tạp chí trên đã được dành riêng cho "những điều hấp dẫn tiếp theo" trong ngành hàng không hải quân Trung Quốc: những chiếc trực thăng tác chiến chống ngầm (ASW) mới đang được chế tạo và thậm chí còn được ưu tiên phát triển. Một phiên bản ASW hiện đại, đã được tối ưu hóa, dường như được gọi là “Z-18F”, đã xuất hiện trên một trang bìa. Một thiết kế gây sốc khác cũng được in làm trang bìa của tạp chí "Những chiếc tàu chiến hiện đại" vào năm ngoái, đã được xác định là "Z-20", và dường như là một bản sao gần giống với SH-60 Sea Hawk, loại máy bay trực thăng hải quân được Hải quân Mỹ sử dụng trong một loạt các vai trò, bao gồm cả chống tàu ngầm.

Bài viết này sẽ khảo sát một số diễn biến gần đây trong phát triển ASW của Trung Quốc, nhấn mạnh vai trò đáng ngạc nhiên và chú ý trong tương lai của hai biến thể máy bay trực thăng mới được đề cập ở trên.

Một thập kỷ trước, Hải quân Trung Quốc có lẽ chỉ có vài chục chiếc máy bay trực thăng cỡ lớn Z-8, tiền thân của loại trực thăng mới Z-18F. Tuy nhiên, việc sản xuất máy bay trực thăng đã tăng lên gấp nhiều lần trong giai đoạn 2004-2007. Theo các báo cáo từ Trung Quốc, trực thăng mới Z-18F được trang bị radar tìm kiếm bề mặt ưu việt, có thể phát hiện kính tiềm vọng và cột đèn tín hiệu của tàu ngầm trong phạm vi bán kính tối thiểu từ 40-70km. Z-18F có thể mang theo 4 quả ngư lôi ASW, một cải tiến đáng kể so với người tiền nhiệm của nó.  Nếu so với Z-8, rõ ràng Z-18F có tính năng vượt trội, còn so với trực thăng chống ngầm SH-60 của Hải quân Mỹ, Z-18F chiếm ưu thế hơn vì có thể mang theo nhiều hơn thiết bị dò âm thanh SONA thả nổi trên mặt biển và thực hiện hành trình bay liên tục dài hơn.

Trực thăng Z-18F của Trung Quốc.


Về Z-20, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng loại trực thăng này là sự thể hiện tập trung của trình độ và năng lực phát triển trực thăng của Trung Quốc, tổng thể công nghệ của nó đã vượt qua loại trực thăng Black Hawk đời đầu và sánh ngang với các loại trực thăng cỡ 10 tấn mới được phát triển từ những năm 1990 trên thế giới. Một số nguồn tin tiết lộ rằng Z-20 được thiết kế dựa trên những trực thăng Black Hawk mà Trung Quốc mua của Mỹ và tham khảo thiết kế một chiếc trực thăng thế hệ mới, vốn đã bị lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ bỏ lại trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011. Trước đây, Bắc Kinh đã mua 24 trực thăng Black Hawk của Mỹ vào năm 1984, tuy nhiên, số lượng này không đủ để phục vụ nhu cầu của quân đội Trung Quốc.

Z-20 bay thử lần đầu tiên vào tháng 12/2013, ban đầu dự đoán loại máy bay trực thăng này sẽ tiến hành triển khai vào năm 2015. Mặc dù giống với máy bay trực thăng Black Hawk, mục tiêu của Z-20 là trở thành một loại máy bay trực thăng vận tải đa năng, nhưng Z-20 có thể sẽ không đối mặt với sự trói buộc thiết kế cùng loại mà cha đẻ Mỹ gặp phải. Thật kỳ lạ, cả Z-20 và Z-18F đều không được thảo luận trong báo cáo mùa xuân 2015 của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ về "Hải quân Trung Quốc: Khả năng và Nhiệm vụ mới trong thế kỷ 21".


Trực thăng Z-20 của Trung Quốc.


Điều khiến Mỹ lo ngại hơn cả là theo kế hoạch, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ chở theo tới 6 trực thăng chống ngầm Z-18F. Ngoài ra, tuần dương hạm kiểu mới 055 sẽ được trang bị cho Hải quân Trung Quốc trong tương lai gần cũng được thiết kế chở theo 2 máy bay trực thăng chống ngầm loại này. Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc còn tập trung nâng cấp khả năng chống ngầm của các loại máy bay cánh bằng, trong đó điển hình là máy bay tuần tra chống ngầm cỡ lớn Gaoxin-6. Trung Quốc còn đang nghiên cứu chế tạo thủy phi cơ lớn nhất thế giới Jiaolong-600 (JL- 600), sẽ được sử dụng trong tác chiến chống ngầm.

Những phân tích trên là bằng chứng cho thấy, sức mạnh chống ngầm của Hải quân Trung Quốc được tăng cường đồng nghĩa với ưu thế tác chiến tàu ngầm của Hải quân Mỹ đang dần mất đi. Mặc dù tàu ngầm của Mỹ hiện đại, khả năng tàng hình ưu việt và âm thanh phát ra khi vận hành là không đáng kể, nhưng khi máy bay trực thăng chống ngầm Z-18F của Hải quân Trung Quốc chủ động thả thiết bị dò âm thanh SONA để theo dõi, tàu ngầm của Mỹ vẫn rất dễ bị phát hiện và bị tấn công. Chính vì vậy, giới quân sự Mỹ kêu gọi Hải quân Mỹ cần được trang bị vũ khí thiết bị tương ứng để đối phó với lực lượng không quân-hải quân ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc.


Công Thuận (theo N.I)
Lý do thực sự khiến Thái Lan hoãn mua tàu ngầm Trung Quốc
Lý do thực sự khiến Thái Lan hoãn mua tàu ngầm Trung Quốc

Tàu ngầm Trung Quốc không nhất thiết phải là một mối quan tâm địa chính trị. Một số người Thái đã bắt đầu cho rằng những căng thẳng ở Biển Đông là một vấn đề an ninh lâu dài, nhưng nhiều người khác không nghĩ vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN