Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AP |
Ngày 31/12, phát biểu tại cuộc họp thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Dương Vũ Quân nói: “Tàu sân bay này đang được phát triển dựa trên toàn bộ các thiết kế trong nước”. Ông cho biết thêm rằng tàu sân bay này đang được đóng ở cảng Đại Liên, phía Đông Bắc Trung Quốc.
Lời xác nhận chính thức này được đưa ra sau nhiều tháng xuất hiện tin đồn từ các quan chức quân đội. Bắc Kinh đã nhanh chóng mở rộng năng lực quân sự trong những năm gần đây, chọc giận các nước láng giềng và gây sự chú ý của Mỹ- quốc gia đang thực hiện chính sách đối ngoại “xoay trục” về châu Á.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh là chiếc tàu từ thời Xô Viết được đóng từ hơn 25 năm trước. Tàu Liêu Ninh được triển khai hoạt động từ năm 2012 sau khi được trang bị lại hoàn toàn. Ông Dương Vũ Quân nói: “Việc thiết kế và xây dựng tàu sân bay thứ hai này dựa trên các kinh nghiệm nghiên cứu và huấn luyện trên tàu Liêu Ninh. Điều này dẫn đến nhiều sự cải tiến và nâng cấp”. Tuy vậy, ông không cho biết thêm chi tiết.
Theo ông Dương Vũ Quân, chiếc tàu mới này có lượng giãn nước là 50.000 tấn và sử dụng “năng lượng truyền thống”, chứ không phải là năng lượng hạt nhân. Con tàu có thể chở chiến đấu cơ J-15 cùng các máy bay khác.
Các phản ứng trên mạng xã hội trước tuyên bố này tỏ ra rất tích cực. Một người dùng trên mạng Weibo viết: “Một khi chúng ta trang bị cho hạm đội bằng các tàu sân bay, thì Mỹ và Nhật Bản sẽ phải thức tỉnh”.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn thường căng thẳng bởi các tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản thường xuyên điều động các chiến đấu cơ để đối phó với các máy bay Trung Quốc. Mỹ và Nhật đã ký kết một hiệp ước quốc phòng, bởi vậy bất kỳ xung đột nào với Trung Quốc cũng sẽ có sự tham gia của hai nước này.
Bắc Kinh hiện đòi hỏi chủ quyền phi lý với hầu hết toàn bộ khu vực mang tính chiến lược quan trọng trên Biển Đông, thậm chí cả những vùng nước gần bờ biển các quốc gia khác, và biến một loạt các rạn san hô và đảo đá trên vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành các đảo nhân tạo với khả năng xây dựng các cơ sở quân sự trên đó.
Trong những tháng gần đây, các tàu và máy bay Mỹ đã tới gần các đảo nhân tạo mới này để khẳng định quyền tự do đi lại quốc tế. Trong vụ việc “không nằm trong chủ định” mới đây, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay cách một hòn đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc khoảng hai dặm.
Phát biểu tại Trung tâm Stanford ở Đại học Bắc Kinh hồi tháng 11/2015, Đô đốc Mỹ Harry Harris nói: “Vùng biển và không phận quốc tế thuộc về tất cả mọi người và không nằm dưới quyền chi phối của bất kỳ quốc gia nào. Quân đội của chúng tôi sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu thủy và tiến hành hoạt động bất cứ khi nào và bất cứ đâu luật quốc tế cho phép. Biển Đông đã, đang và sẽ không là ngoại lệ”.
Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một lực lượng “hải quân biển xanh” có khả năng hoạt động ở ngoài khơi xa và đang tiến hành công cuộc hiện đại hóa quân đội hùng mạnh lớn nhất thế giới với hai triệu binh sỹ của họ.
Trung Quốc đã hợp pháp hóa hoạt động chống khủng bố của quân đội ở nước ngoài trong tuần này, một phần trong dự luật mới gây tranh cãi, theo đó Bắc Kinh “có thể điều động nhân sự bên ngoài biên giới để tiến hành các hoạt động chống khủng bố” nếu “quốc gia liên quan” đồng ý.
Các biện pháp này được áp dụng với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong đó có lực lượng hải quân, cũng như lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và các nhân viên của lực lượng an ninh quốc gia.