Trung Quốc có thể đưa hai tàu sân bay tự đóng tới Biển Đông

Nhật báo "Asahi" ngày 21/10 dẫn các nguồn tin riêng của tờ báo xác nhận thông tin quân đội Trung Quốc đang đồng thời tổ chức đóng hai tàu sân bay tại các cơ sở đóng tàu ở Đại Liên và Thượng Hải.


Khu vực xưởng đóng tàu Đại Liên của Trung Quốc.

Cho dù đã có tàu Liêu Ninh được sửa chữa từ một tàu sân bay cũ của Liên Xô trước đây và chủ yếu dùng trong hoạt động huấn luyện, nghiên cứu, giờ đây giới chức quân đội Trung Quốc hướng tới việc đóng mới hàng loạt tàu sân bay nhằm đưa vào trực chiến. Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết số tàu sân bay được đóng mới trong thời gian tới sẽ được đưa vào hoạt động tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý.

Nhật báo “Asahi” nhận định quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh sức mạnh hải quân để bảo vệ các lợi ích trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Đại tá Hải quân Trung Quốc Tào Vệ Đông từng tuyên bố việc sở hữu tàu sân bay là một bước tiến quan trọng của Hải quân Trung Quốc trong việc hiện đại hóa Hải quân nhằm đối kháng với các nước như Mỹ. Với tư duy đó, giới chức quân sự Trung Quốc đã hạ quyết tâm đóng tàu sân bay từ năm 2009. Năm 2012, người Trung Quốc đã có trong tay tàu sân bay Liêu Ninh, neo đậu tại căn cứ Hải quân Thanh Đảo, Sơn Đông.

Theo nguồn tin của “Asahi”, sau tàu Liêu Ninh, quân đội Trung Quốc đã khởi động đóng một tàu sân bay bằng công nghệ trong nước tại một sơ sở đóng tàu ở thành phố Đại Liên. Vào tháng 1/2015, tạp chí chuyên về thông tin tình báo quân sự IHS James đã công bố một bức ảnh vệ tinh cho thấy những dấu hiệu, các thiết bị và công việc chuẩn bị để đóng một tàu sân bay rất lớn. Tiến độ đóng tàu khá nhanh và nguồn tin từ giới chức quân sự tại Bắc Kinh cho biết con tàu này sẽ được đóng xong phần thân vào cuối năm 2015.

Trung Quốc tính đặt căn cứ tàu sân bay thứ hai tại Tam Á, Hải Nam. Ảnh: Inquirer

Theo các nhà nghiên cứu quân sự và chuyên gia đóng tàu, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị đóng một tàu sân bay khác tại đốc tàu của Tập đoàn đóng tàu Trường Nam, nằm ở đảo Trường Hưng thuộc thành phố Thượng Hải. Đây là con tàu được đóng theo phương pháp ghép môđun. Nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết các tàu sân bay đóng mới của Trung Quốc sẽ được trang bị các máy phóng điện từ. Nếu được trang bị máy phóng điện từ, nhiều loại máy bay của Trung Quốc có thể cất và hạ cánh từ tàu sân bay này.

Nhiều khả năng hai tàu sân bay đóng mới này sẽ được trang bị cho hạm đội Nam Hải, đồn trú tại căn cứ Hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam. Nhiều khả năng các máy bay chiến đấu thế hệ mới, chủ lực của Hải quân Trung Quốc sẽ được triển khai trên các tàu sân bay này.

Vào những năm 1980, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc lúc đó là Tướng Lưu Hoa Thanh đã chỉ đạo phải đóng tàu sân bay để thực hiện chiến lược Hải quân là đến năm 2020, quân đội Trung Quốc có khả năng khống chế khu vực địa lý nằm trong chuỗi đảo thứ hai. Theo các nhà phân tích, ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc do Tập Cận Bình đứng đầu cũng rất ủng hộ thực hiện chiến lược này, do đó kế hoạch đóng tàu sân bay được ráo riết thực hiện.

Hiện chưa rõ người Trung Quốc dự kiến sẽ đóng bao nhiêu tàu sân bay, song một quan chức cao cấp tại tỉnh Liêu Ninh hồi tháng 1/2014 từng tiết lộ rằng nước này sẽ có hơn 4 tàu sân bay.

TTK
Indonesia từ chối tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông
Indonesia từ chối tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông

Indonesia tuyên bố quân đội nước này sẽ không tham gia các hoạt động có thể gây thêm căng thẳng ở Biển Đông, điển hình là hoạt động tập trận do Trung Quốc tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN