Tàu ngầm Trung Quốc "kè" sát tàu sân bay Mỹ

Tờ Washington Freebeacon (Mỹ) ngày 3/11 đưa tin: Một tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã tiến sát tàu sân bay USS Ronald Reagan (Mỹ).


Vụ việc xảy ra vào ngày 24/10 vừa qua ở vùng biển gần Nhật Bản, khi tàu USS Ronald Reagan di chuyển từ căn cứ ở Nhật tiến về phía cực nam nước này. Đây là cuộc “đối đầu” ở cự ly gần nhất giữa tàu sân bay của Mỹ với một tàu ngầm Trung Quốc kể từ năm 2006 – một quan chức quân sự Mỹ tiết lộ. Ít ngày sau, chính hàng không mẫu hạm này của Mỹ cũng bị máy bay ném bom Tu-142 của Nga “áp sát” ở tầm cao chỉ 300m so với mặt biển, trong khoảng cách chỉ vài cây số. 

Tàu sân bay USS Ronald Reagan trở về căn cứ Yokosuka (Nhật Bản) hôm 29/10. Ảnh: AP

Thông tin này được tiết lộ tại thời điểm Đô đốc Harry Harris đang có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị là Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) từ chối bình luận về vụ “áp sát” này, nhưng không phủ nhận thông tin mà tờ Washington Freebeacon nêu. Các thông tin chi tiết khác như chủng loại tàu ngầm Trung Quốc, tiến sát khi nổi hay lặn dưới nước, cự ly áp sát… đều không được tiết lộ.

Tàu sân bay hạt nhân luôn là biểu tượng cho sức mạnh viễn chinh của quân đội Mỹ. Còn quân đội Trung Quốc thì luôn tìm cách ngăn chặn, đẩy lùi ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại châu Á. Một quan chức quân sự nói rằng, tàu ngầm bị phát hiện sau khi hệ thống báo động trên tàu sân bay phát tín hiệu; nhưng không rõ liệu phía Mỹ đã triển khai các máy bay săn ngầm để định vị và theo dõi tàu Trung Quốc hay không. Một quan chức khác thì nhìn nhận, sự cố này gợi lại vụ một tàu ngầm lớp Tống mang ngư lôi của Trung Quốc đã ngầm theo sát tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ vào ngày 26/10/2006.

Thông điệp chính trị

Trung Quốc thường sử dụng sức mạnh quân sự để chuyển tải những thông điệp chính trị và vụ việc lần này có thể đã được tính toán trước – nó xảy ra ngay trước thời điểm hải quân Mỹ thực hiện chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, đưa tàu USS Lassen tiến vào vùng 12 hải lý quanh hai “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa; trước thềm chuyến thăm của Đô đốc Harris. Khá trùng hợp, vụ “chạm trán” năm 2006 cũng xảy ra ở thời điểm Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương lúc đó là Đô đốc Gary Roughead đang thăm Trung Quốc.

Hôm 2/11, ông Harris đã tới Bắc Kinh và có các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc trong thời gian ở thăm 3 ngày. “Duy trì đối thoại quân sự Mỹ - Trung được thiết kế để tối đa hóa hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có cùng lợi ích, đồng thời xử lý và điều phối hài hòa những khác biệt”, tuyên bố của PACOM trước thềm chuyến thăm nêu rõ. Chuyến thăm gần đây nhất của ông Harris tới Trung Quốc là hồi tháng 4/2014 để thảo luận với Bắc Kinh về Bộ quy tắc ứng xử cho những tình huống chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES).

Ông Harris là một trong những nhân vật trong chính giới Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại một phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ hồi tháng 9 vừa qua, Tư lệnh PACOM từng so sánh, nếu chỉ vì tên gọi (Trung Quốc gọi Biển Đông là Biển Nam Trung Hoa) để từ đó khẳng định chủ quyền thì chẳng khác nào nói rằng vịnh Mexico là của Mexico.

Tại thời điểm “giáp mặt” tàu ngầm Trung Quốc, tàu sân bay Reagan đang trên đường tới tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc từ ngày 26-29/10. Hộ tống tàu sân bay này là 4 tàu chiến khác, gồm có tàu khu trục tên lửa Chancellorsville lớp Ticonderoga, tàu khu trục USS Fitzgerald và USS Mustin (lớp Arleigh Burke). Hôm 31/10, PACOM cho biết, tàu Reagan là một trong hai nhóm tàu sân bay đang hoạt động trong khu vực. Tàu USS Roosevelt đã rời Singapore vào ngày 28/10 và đang trên đường về San Diego.

Theo Rick Fisher, chuyên gia phân tích các vấn đề quân sự Trung Quốc, việc Bắc Kinh sẵn sàng điều tàu ngầm áp sát tàu chiến cỡ lớn của Mỹ cho thấy Hải quân Mỹ cần có nhiều hơn nữa tàu ngầm làm nhiệm vụ hộ tống. Những tàu ngầm tấn công mới cần nhanh chóng được đưa vào phiên chế, trong bối cảnh tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles bị thải loại, nhưng không được bổ sung đầy đủ bằng tàu mới lớp Virginia.

Hoài Thanh (Theo Washingtonfreebeacon)
Tàu khu trục Mỹ tiến gần các đảo trái phép Trung Quốc
Tàu khu trục Mỹ tiến gần các đảo trái phép Trung Quốc

Tàu khu trục Mỹ đang tiến gần đến ranh giới 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh khuyến cáo Mỹ nên cẩn trọng trước khi hành động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN