Đối đầu Mỹ-Trung ở Biển Đông lên một cấp độ mới?

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift, xác nhận tại một hội nghị bàn tròn với giới truyền thông ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 20/7 rằng ông đã tham gia chuyến bay dài 7 giờ đồng hồ hôm 18/7 trên máy bay trinh sát Boeing P-8, trong một sứ mạng giám sát ở Biển Đông được ông mô tả là "thường lệ". Tuy nhiên, tướng Swift không tiết lộ thêm chi tiết.

Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift. Ảnh: AP


Các chuyến bay trinh sát của Mỹ trong khu vực từ lâu vẫn là nguyên nhân khiến Bắc Kinh bực bội. Chuyến trinh sát lần này của ông Scott Swift trên Biển Đông nằm trong khuôn khổ của chuyến thăm Philippines. Hải quân Mỹ ngày 19/7 đã phổ biến các hình ảnh của Đô đốc Scott Swift trên chiếc máy bay P-8 Poseidon, nhưng không rõ những khu vực nào trên Biển Đông nằm trong cuộc giám sát này.

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, nói rằng những hoạt động như vậy làm tổn hại lòng tin lẫn nhau giữa hai nước. Tháng 5/2015, Bắc Kinh đã lên án việc máy bay trinh sát tân tiến P-8 Poseidon đưa một đoàn phóng viên của đài CNN giám sát Biển Đông là hành động “vô trách nhiệm và nguy hiểm”. Trong khi đó, Đô đốc Swift nói rằng chuyến bay của ông, cũng như chuyến bay có các phóng viên của CNN trước đó, là một chuyến bay "thường lệ".

“Chúng tôi đã triển khai lực lượng trên khắp khu vực để chứng tỏ cam kết bảo vệ tự do hàng hải của phía Mỹ”, Đô đốc Swift nói và cho biết sự có mặt của ông trên chuyến bay cho phép ông trực tiếp đánh giá các khả năng hoạt động của hạm đội do ông chỉ huy. Đô đốc Swift mô tả những sự liên lạc với Trung Quốc ngoài biển là “tích cực và bài bản”, có thể nói là đã “bình thường hóa”.

Bức ảnh chụp qua cửa sổ một máy bay quân sự ngày 11/5 cho thấy hoạt động trái phép của Trung Quốc tại vùng quanh Đá Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Biển Đông. Ảnh: AP


Có vẻ như Mỹ đã chuyển từ lời nói sang hành động. Thực tế, việc ông Scott Swift tham gia chuyến bay trinh sát này cho thấy cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông đã lên một cấp độ mới. Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov, Phó Chủ tịch Học viện Các Vấn đề Địa chính trị, bình luận: “Điều đó gieo rắc thêm căng thẳng ở Biển Đông. Đối với Trung Quốc, những hành động này chỉ có nghĩa là, nếu Trung Quốc có tham vọng đối với khu vực tranh chấp và cố gắng giải quyết vấn đề bằng vũ lực, thì Mỹ sẽ sử dụng lực lượng quân sự chống lại Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không tiến hành hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, hay thậm chí không tính đến hành động vi phạm luật pháp quốc tế, liên quan đến việc tiêu diệt máy bay hoặc bất kỳ thiết bị bay khác trong vùng tranh chấp. Bởi Mỹ luôn luôn có thể coi đó là hành động gây hấn từ phía Trung Quốc”.

Ngày 20/7, vài ngày sau chuyến bay trinh sát của ông Scott Swift, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã kêu gọi Washington không đứng về phe nào trong các tranh chấp ở Biển Đông. Trong một tuyên bố khác, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cảnh cáo các tàu bè không tiến vào các vùng biển nằm về hướng Đông và Đông Nam của đảo Hải Nam từ ngày 22-31/7 vì có các cuộc diễn tập tại đây. Cơ quan này không cho biết thêm chi tiết về các cuộc diễn tập quân sự này.

Chuyến bay của Đô đốc Scott Swift diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang "nóng" với các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép của Trung Quốc.

TTK
Mỹ - Nhật - Úc tập trận: Một cảnh báo nhằm vào Trung Quốc?
Mỹ - Nhật - Úc tập trận: Một cảnh báo nhằm vào Trung Quốc?

Tại một bờ biển hẻo lánh ở Australia, các sĩ quan Trung Quốc theo dõi cả đoàn xuồng cao su chở đầy các binh lính có vũ trang của Mỹ, Australia, Nhật Bản thực hiện khoa mục đổ bộ đường biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN