Đây là nhận định chung được các chuyên gia đưa ra trong bài đăng trên tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng ngày 22/5. Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự nhận định Trung Quốc cuối cùng có thể trở thành sức mạnh hàng không mẫu hạm đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ nhưng nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này vẫn nằm dưới chuẩn quốc tế.
Máy bay J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: THX/TTXVN |
Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh nhận định: "Một hàng không mẫu hạm yêu cầu có sự duy tu bảo dưỡng quy mô lớn. Trung Quốc cần sở hữu hơn 4 nhóm tác chiến tàu sân bay nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ hộ tống trên vùng biển quốc tế và bảo vệ lợi ích của nước này trên biển”.
Ông Li bổ sung: “Chỉ một tàu sân bay không thể trở thành lực lượng chiến đấu bởi vì hàng không mẫu hạm cần sự hỗ trợ của các tàu chiến khác cũng như có sự bảo vệ từ tàu hộ tống để hình thành một nhóm tàu tấn công”.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hiện nằm trong nhóm tác chiến tàu sân bay gồm 10 tàu chiến, 3 tàu khu trực, hai tàu ngầm lớp 094, 2 tàu tuần dương cỡ nhỏ, một tàu hộ vệ và một tàu hậu cần.
Hải quân Mỹ duy trì 10 tàu nhóm tác chiến tàu sân bay đồn trú tại Mỹ và các căn cứ quân sự ở hải ngoại. Nhóm thứ 11 đang chuẩn bị đi vào hoạt động khi chiếc USS Gerald R. Ford “nhập ngũ”. Do vậy nếu xét về độ tương quan thì Trung Quốc khá yếu thế khi nước này hiện sở hữu duy nhất một hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, được nâng cấp trên khung của chiếc Varyag lớp Kuznetsov của Liên Xô.
Ngày 26/4 vừa qua, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này sản xuất tại nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh. Tàu sân bay thứ hai này của Hải quân Trung Quốc dự kiến trong 3 năm tới sẽ phục vụ trong quân ngũ.
Ông Li nhận định rằng một nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ cần từ 4.500 đến 5.000 thủy thủ. Như vậy hai tàu sân bay của Trung Quốc dự kiến cần phải có 10.000 nhân sự để hoạt động trọn vẹn.
Tàu sân bay "Liêu Ninh" trong chuyến vận hành thử trên biển. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo bộ phim tàu liệu của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) được phát sóng hồi tháng 3 năm nay, khi các sĩ quan hải quân Trung Quốc bắt tay vào vận hành tàu Liêu Ninh, họ đã vấp phải thử thách lớn đó là chỉ huy hơn 2.000 thuỷ thủ từ 19 dân tộc khác nhau.
Ông Chen Yueqi, chỉ huy của tàu Liêu Ninh bộc bạch: “Chúng tôi đã rơi vào mớ bòng bong khi bắt đầu thử nghiệm đội ngũ, tất cả các cửa ra vào đều bị dồn ứ người khi có chuông reo”. Hỗn loạn còn bộc phát vào giờ ăn ngay cả khi con tàu này có 10 canteen. Những lộn xộn chỉ ngưng lại khi những người lãnh đạo tàu nảy ra ý tưởng chia giờ ăn và làm việc cho các thủy thủ.
Ông Li thẳng thắn nhận xét rằng khi đặt lên bàn cân với các đồng nghiệp Mỹ đang công tác trên 10 nhóm tác chiến tàu sân bay và thuộc tổ chức có hơn 100 năm kinh nghiệm thì đội ngũ thủy thủ tàu của Trung Quốc chỉ là “học sinh mẫu giáo”.
Hải quân Mỹ đã tạo dựng được hệ thống vận hành toàn diện bao gồm bảo đảm hoạt động của máy bay dưới mọi điều kiện thời tiết, giữ lịch trình hoạt động hợp lý cho thủy thủ đoàn và phối hợp giữa các tàu khác nhau trong một nhóm.
Để tàu Liêu Ninh hoạt động, Trung Quốc đã sao chép nhiều phần của hệ thống vận hành Mỹ, từ đồng phục màu cầu vồng cho nhân viên trên bong tàu đến ký hiệu ngôn ngữ cử chỉ của người hướng dẫn hạ cánh, nhân viên vận hành bộ móc cáp…
Ông Li nhấn mạnh việc tạo dựng một đội ngũ nhân viên trên tàu sân bay còn khó hơn đào tạo phi công lái chiến đấu cơ và nhân viên điều khiển không lưu bởi độ dài của đường băng trên boong tàu sân bay chỉ bằng 1/10 so với đường băng trên mặt đất.
Ông Li cũng cho biết số phi công điều khiển phi cơ của tàu sân bay cần nhiều hơn hoặc bằng số lượng chiến đấu cơ J-15 trên tàu. Điển hình là một tàu sân bay của Mỹ với 80 chiến đấu cơ sẽ cần hơn 120 phi công túc trực. Nhưng Trung Quốc hiện mới có tổng cộng 37 phi công tương ứng với 24 chiếc J-15 trên tàu Liêu Ninh.
Lễ hạ thủy tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau (Trung Quốc) nhận định rằng Bắc Kinh vẫn chưa đuổi kịp các yêu cầu của một hạm đội tàu viễn dương chiến đấu bởi vì nước này đang trong quá trình chuyển giao từ hải quân bờ biển lên hải quân viễn dương.
Ông Wong cho rằng hệ thống vận hành của ba hạm đội hải quân Trung Quốc đã được cải tổ trong các thập niên gần đây. Theo nhà quan sát quân sự này, nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm Liêu Ninh làm chủ lực hiện hoạt động với nhiều tương đồng so với lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản là hình hính nhóm tấn công tạm thời dựa trên nhiệm vụ huấn luyện được giao.
Với nhu cầu phát triển dài hạn, nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc sẽ cần học hỏi nhiều hơn từ hải quân Mỹ và tập trung nhiều vào những hàng không mẫu hạm. Ông Wong cũng dự đoán rằng Hải quân Trung Quốc sẽ thành lập nhiều nhóm chiến đấu cố định trong tương lai để các thành viên thủy thủ đoàn mở rộng sự hiểu biết về chiến thuật.
Cuối cùng, ông Wong kết luận: “Vẫn còn một quãng đường dài để nhóm tàu sân bay tác chiến của Trung Quốc có thể theo kịp được đồng nghiệp Mỹ”.