Nhà báo Vladimir Barsegyan đã giải thích với đài Sputnik Nga tại sao một động thái như vậy sẽ làm gia tăng đáng kể các vụ tai nạn hạt nhân, tựa như “đùa với lửa”.
Báo cáo ban đầu rằng Washington đang lên kế hoạch để đưa các “pháo đài bay” trở lại không trung trong một cảnh báo 24 giờ, có vẻ như liên quan tới mối đe dọa từ Triều Tiên, đã bị Lầu Năm Góc bác bỏ ngay sau đó. Tuy nhiên, tới hôm 27/10, ít ngày trước chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Hàn Quốc, Phó Tổng thống Mike Pence lại làm nảy sinh nỗi sợ hãi trên khi nói với các sĩ quan ở căn cứ North Dakota – nơi chứa các máy bay B-52 và căn cứ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – “hãy sẵn sàng” cho một cuộc đối đầu có khả năng xảy ra với Bình Nhưỡng.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Ảnh: AP |
Các cường quốc hạt nhân đã bỏ báo động oanh tạc cơ trong vòng 24 giờ từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trước đó, máy bay ném bom của Mỹ và Xô Viết bay dọc đường biên giới của nhau để thách thức.
Tháng 10/1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã phê chuẩn chiến dịch “Cây thương khổng lồ”, theo đó, cử một phi đội 18 chiếc B-52 chở đầu đạn hạt nhân hướng về Liên Xô qua Vòng Bắc Cực nhằm cố ép buộc Liên Xô quay trở lại Việt Nam. Tuy kế hoạch trên thất bại và Tổng thống Nixon đã hủy bỏ chiến dịch này ba ngày sau đó, nhưng vẫn khiến tiếng chuông báo động vang lên tại Moskva.
Các nhà quan sát cho rằng nếu “pháo đài bay” của Mỹ được triển khai lại trên bầu trời 24/7 thì tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Trong một bài viết cho hãng thông tấn RIA Novosti, nhà báo Vladimir Barsegyan đã chỉ ra rằng thời đó, ít nhất các biên giới phía tây của Liên Xô được “bao phủ” bởi không phận của các nước cộng sản. Còn bây giờ, khối này đã tan rã và bị Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lôi kéo, sau đó còn mở rộng sang các nước Baltic.
“Điều này có nghĩa rằng ngày hôm nay, Lầu Năm Góc bị xúi giục để tiếp cận Nga dọc theo đường biên giới với châu Âu”, nhà báo viết, “Họ đã thực hiện những bước đi đầu tiên”.
Ví dụ như mùa hè vừa rồi, ba chiếc B-52 từ căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana cùng với hai máy bay B-1B và B-2 đã được điều tới châu Âu để tham gia tập trận Baltops và Saber Strike ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Những hoạt động diễn tập ở phía tây Estonia nằm cách biên giới với Nga chưa đầy 200km. Các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ từng xuất hiện tương tự trong khu vực này năm 2014, sau khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo mối liên quan này, ông Barsegyan lưu ý với kế hoạch của Lầu Năm Góc để hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân châu Âu, bao gồm đầu đạn đặt tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, quân đội Mỹ sẽ có thể giảm thiểu thời gian bay của các máy bay ném bom tới biên giới Nga.
“Và đây là một sự phát triển đáng lo ngại, đặc biệt kể từ khi các sự cố nguy hiểm cũng dễ nảy sinh, ngay cả trong thời bình", nhà báo nhấn mạnh.
Lịch sử đã ghi nhận nhiều tiền lệ. Chẳng hạn, ngày 24/1/1961, một máy bay B-52 chở hai quả bom có sức công phá bằng 3 – 4 triệu tấn thuốc nổ bay trên vùng Goldsboro, North Carolina (Mỹ) đã gặp sự cố trên không, thả toàn bộ bom xuống đất. Một báo cáo năm 2013 tiết lộ một quả bom trên chuyến bay đó đã suýt phát nổ.
Xác máy bay B-52 chở bom hạt nhân rơi tại Palomares. Ảnh: AP |
5 năm sau, ngày 17/1/1966, một máy bay B-52 khác đã bị rơi sau khi xảy ra va chạm với một máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 trên vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Tây Ban Nha. Chiếc B-52 đã để rơi 4 quả bom nhiệt hạch xuống làng chài nhỏ Palomares. Phần thuốc nổ thông thường của 2 trong số 4 bom quả bom đã phát nổ làm cả khu vực bị nhiễm chất độc phóng xạ.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ đã để mất tổng cộng 11 quả bom hạt nhân trong các vụ tại nạn tương tự. Nếu lệnh bay 24/7 đối với B-52 được áp dụng trở lại, điều gì có thể đảm bảo rằng các vụ tai nạn đáng sợ như trên không xảy ra thường xuyên, đặc biệt tại các điểm nóng như vùng Baltic.
Dựa trên khả năng này, ông Barsegyan lưu ý “biểu tượng buồn của thời Chiến tranh Lạnh" là chiếc Đồng hồ Tận thế một lần nữa lại trở nên liên đới. Cuối thời kỳ này, “các thanh niên trong bộ quân phục đã hành động sáng suốt hơn và dừng lại, và những món đồ chơi nguy hiểm của họ bị tước đi. Hiện tại, dường như họ sẽ lại phải đặt tay vào chúng”, nhà báo kết luận.