Tiết lộ này được đưa ra khi Hải quân Hoàng gia tiếp tục theo sát tàu Yantar trong lần trở lại vùng biển Anh trong tuần này.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey, tàu Yantar đã "lảng vảng trên các cơ sở hạ tầng dưới biển quan trọng của Anh" trong vài tháng qua. Điều này diễn ra trong bối cảnh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng lo ngại về nguy cơ phá hoại các cáp ngầm dưới biển.
Tàu Yantar được phát hiện ở vùng biển Anh vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, tàu Nga bị các tàu chiến, máy bay tuần tra và cả tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia theo dõi sát sao.
Ông Healey tiết lộ rằng tàu ngầm hạt nhân của Anh đã nổi lên gần Yantar "để khẳng định rằng chúng tôi đã âm thầm theo dõi mọi di chuyển của nó". Tuy danh tính tàu ngầm không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng đó là một trong năm tàu tấn công lớp Astute hiện có của Anh.
Sau đó, tàu Yantar di chuyển vào vùng biển Ireland, gần Dublin, làm dấy lên lo ngại về hoạt động nhằm vào các đường ống năng lượng và cáp internet quan trọng giữa Anh và Ireland. Cuối cùng, tàu Nga đã bị hộ tống ra khỏi biển Ireland.
Trong chuyến trở lại vùng biển Anh tuần này, tàu Yantar không ở lại lâu và được hộ tống sát sao bởi khinh hạm HMS Somerset (lớp Type 23) và tàu tuần tra HMS Tyne (lớp River).
Hải quân Hoàng gia cho biết HMS Somerset đã âm thầm triển khai trực thăng Merlin, sử dụng cảm biến mạnh mẽ để xác định vị trí của Yantar khi tàu này di chuyển về phía kênh đào Anh. Sau đó, HMS Somerset áp sát và theo dõi mọi di chuyển của Yantar tại eo biển Dover, gần bờ biển Pháp.
Bộ trưởng Healey tuyên bố trước Quốc hội Anh rằng Yantar đã vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Anh hôm 20/1, cách bờ biển 72 km, và bị Hải quân Hoàng gia giám sát chặt chẽ.
Tàu Yantar, được Nga gọi là tàu nghiên cứu hải dương học thuộc Bộ Quốc phòng Nga và do Cục Nghiên cứu biển sâu điều hành. Tàu được trang bị thiết bị đặc biệt, có thể can thiệp vào cáp ngầm, trục vớt vật thể từ độ sâu 5.500 m.
Tàu Yantar từng tham gia các chiến dịch nổi bật, bao gồm việc trục vớt xác hai máy bay chiến đấu Su-33 và MiG-29KR từ Địa Trung Hải vào năm 2017. Năm 2018, tàu này cũng bị Hải quân Hoàng gia hộ tống qua kênh đào Anh khi mang theo robot lặn sâu Saab SeaEye Tiger, một thiết bị từng được Nga sử dụng sau thảm họa tàu ngầm Kursk.
Mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng dưới biển đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Trong biển Baltic, các cáp ngầm đã bị hư hại ít nhất ba lần, nhiều sự cố có dấu hiệu phá hoại. Điển hình là vào ngày 25/12, một tàu chở dầu nghi của Nga đã làm hỏng cáp điện giữa Phần Lan và Estonia.
Tuy nhiên, ngày 19/1, tờ Washingtonpost cho biết nhiều sự cố đứt cáp ngầm dưới biển Baltic trong những tháng gần đây có thể là do sự cố hàng hải. Các sự cố này không phải do Nga phá hoại, theo một số quan chức tình báo Mỹ và châu Âu.
Kết luận này phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các cơ quan an ninh Mỹ và châu Âu, theo các quan chức cấp cao từ ba quốc gia tham gia vào cuộc điều tra đang diễn ra về một loạt sự cố mà các tuyến năng lượng và thông tin liên lạc quan trọng dưới đáy biển đã bị cắt đứt.
Các vụ việc đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Nga đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dưới biển như một phần của chiến dịch tấn công hỗn hợp rộng lớn hơn trên khắp châu Âu. Nga đã bác bỏ cáo buộc.
Cho đến nay, các quan chức cho rằng, các cuộc điều tra của Mỹ và một số cơ quan an ninh châu Âu đã không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy các tàu thương mại bị nghi kéo neo qua các hệ thống dưới đáy biển đã làm như vậy một cách cố ý hoặc theo chỉ đạo của Moskva.
Thay vào đó, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết bằng chứng thu thập được cho đến nay chỉ ra các sự cố do các thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm phục vụ trên các tàu được bảo trì kém gây ra.
Các quan chức Mỹ đã trích dẫn "những lời giải thích rõ ràng" đã được đưa ra ánh sáng trong từng trường hợp, cho thấy khả năng thiệt hại là do sự cố và thiếu bằng chứng cho thấy Nga có liên quan. Các quan chức của hai cơ quan tình báo châu Âu cho biết họ đồng tình với đánh giá của Mỹ.
Mặc dù ban đầu nghi ngờ Nga có liên quan, nhưng một quan chức châu Âu cho biết có bằng chứng ngược lại. Các quan chức Mỹ và châu Âu từ chối giải thích thêm và phát biểu với điều kiện giấu tên, với lý do tính nhạy cảm của các cuộc điều tra đang diễn ra.
NATO ngày 20/1 đã triển khai chiến dịch "Baltic Sentry" để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển, huy động máy bay chiến đấu F-35A của Hà Lan, tàu không người lái mặt nước (USV) và các tàu chiến, máy bay tuần tra.