Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho biết, giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, nhà đầu tư bất động sản, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân; đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 được phát động từ ngày 20/7/2023. Sau gần 3 tháng triển khai, giải thưởng nhận được 100 đề cử. Qua 3 vòng đánh giá, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… đã lựa chọn, trao 32 giải gồm: 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị, một giải thưởng dành cho bất động sản công nghiệp và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc, từ 19 doanh nghiệp. Trong đó, thành phố Hà Nội được trao giải thưởng "Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".
Đặc biệt, giải thưởng Thành phố thông minh 2023 cũng chứng kiến sự phát triển của các giải pháp công nghệ tích hợp các xu hướng công nghệ mới đặc biệt là IoT và AI. Các giải pháp này hầu hết do các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, phát triển. Trong số 24 giải pháp số, giải pháp Xuất sắc (được Hội đồng Giám khảo bình chọn 5 sao) được trao cho Nền tảng Beca Smart City của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam - thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC).
Tại buổi lễ, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để phát triển thành phố thông minh, bền vững, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất và xuyên suốt với: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh; danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa; cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch, hiệu quả. Điển hình như Hà Nội đưa cụm từ "thông minh" vào ngay trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên mới.
Theo ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất - bộ não của đô thị thông minh. Trong một đô thị thông minh, dữ liệu, thông tin, tri thức đều có thể và cần được ghi lại dưới dạng dữ liệu số. Như vậy, năng lực dữ liệu chính là năng lực thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin và tri thức, quyết định mức độ thông minh của đô thị. Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất sẽ tạo điều kiện xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững trong dài hạn dù có bất cứ sự thay đổi về cơ chế quản lý, nhà cung cấp giải pháp, hay các chỉ tiêu phát triển.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế, xã hội.
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/11. Hội nghị có 3 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Chính quyền, người dân và doanh nghiệp; công nghệ, dữ liệu và kết nối; hợp tác và phát triển nhằm chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn bổ ích, qua đó giúp thành phố Hà Nội lựa chọn, tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững. Qua đó, các tỉnh, thành phố trên cả nước, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự có thêm góc nhìn mới trong định hướng xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.