Đó là mục tiêu của đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018 – 2025. Tuy vậy để đạt được mục tiêu đó, không thể không nhắc đến vai trò then chốt của ngành điện.
Mô hình xây dựng thành phố Đà Lạt thông minh dựa trên 4 trụ cột chính là quản trị - đời sống - môi trường và kinh tế. Theo đó, có 8 khu vực được triển khai để xây dựng thành phố này, gồm chính quyền điện tử với việc nâng cấp, triển khai hoàn thiện ứng dụng nội bộ trong các cơ quan nhà nước, phục vụ giao tiếp của cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp; quy hoạch đô thị và quản lý đất với cổng thông tin công bố thông tin quy hoạch, phát triển đô thị, hệ thống mô phỏng 3D quy hoạch, cơ sở dữ liệu về đất đai, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, cơ sở dữ liệu về nhà ở và bất động sản.
Đề án sẽ điều chỉnh, thay đổi căn bản cách thức vận hành nhiều hoạt động động xã hội và kinh tế, như trong lĩnh vực nông nghiệp, các giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất tại các doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp; trong lĩnh vực du lịch, xây dựng cổng thông tin ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động, xây dựng TP wifi… ; trong lĩnh vực TP an toàn: lắp đặt hệ thống camera giao thông, hệ thống tích hợp quản lý camera an ninh tập trung, Trung tâm điều hành giám sát tập trung…; trong lĩnh vực môi trường thì mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, môi trường đất thành phố, hệ thống nhà máy xử lý rác thải và cung cấp thông tin cho người dân, xây dựng bản đồ và phần mềm dự báo lan truyền ô nhiễm…
Ông Nguyễn Văn Trí- Giám đốc Điện lực Đà Lạt cho biết: Khi có đề án xây dựng “Thành phố Đà Lạt thành thành phố thông minh”, Điện lực Đà Lạt đã chủ động đầu tư thực hiện các công trình tự động hóa trong công tác vận hành lưới điện để cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục đảm bảo cho các hệ thống được vận hành liên tục. Để đạt được và đáp ứng những yêu cầu trên, ngành Điện luôn phải nỗ lực cùng chính quyền thành phố trong công tác này.
Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã đầu tư, cải tạo, ngầm hóa, tự động hóa các thiết bị như đóng, cắt điện, cô lập nguồn điện, cung cấp điện đều được điều khiển từ xa.
Ông Phan Dong (đường 3/4, phường 3, thành phố Đà Lạt) chia sẻ: “5 năm nhìn lại Đà Lạt, phải công nhận ngành Điện đã có những bước chuyển mình đáng kể, đường phố không còn chằng chịt dây điện, hệ thống điện cáp ngầm đã thổi hồn cho thành phố này thêm tươm tất, xinh đẹp”.
Điện là một phần quan trọng của thành phố thông minh, khi liên quan trực tiếp đến 2 lĩnh vực là giao thông thông minh và môi trường thông minh. Do đó, việc xây dựng, vận hành thành phố thông minh đòi hỏi lượng điện tiêu thụ rất lớn, do đó điện có ý nghĩa quan trọng khi đóng vai trò là nền tảng.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết thêm: “Yếu tố tiên quyết của việc xây dựng thành phố thông minh là bảo đảm công nghệ và kết nối internet. Để đạt được yếu tố này không thể không nói đến vai tròn then chốt của ngành Điện. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, Công ty Điện lực Lâm Đồng đã có những bước chuẩn bị dài từ cơ sở hạ tầng cho đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại”.