Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2022, cả nước xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người và bị thương 7.804 người. Mặc dù số người chết và số vụ tai nạn giao thông mỗi năm đều được kéo giảm, thế nhưng đây vẫn là con số đáng báo động. Bởi như nhiều người ví, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông hàng năm ở Việt Nam có khi “còn hơn cả chiến tranh”.
Mỗi ngày, bất kỳ ai ra đường cũng có thể cảm thấy bức xức trước các hành vi tham gia giao thông của người khác. Trên các tuyến đường đông đúc, đặc biệt là vào giờ cao điểm, dễ dàng nhận thấy rất nhiều người “tranh thủ” phóng nhanh, lạng lách, vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm… Và không hiếm để bắt gặp tình trạng lái xe uống rượu bia phóng nhanh, vượt ẩu… nhất là vào buổi tối.
Theo đánh giá, hầu hết các vụ tai nạn bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông; trong đó, phần lớn là do ý thức của người lái xe, như không chấp hành các quy định pháp luật về giao thông, chạy quá tốc độ, thói quen lái xe sai, điều khiển xe sau khi uống rượu bia…
Tai nạn giao thông luôn để lại những hậu quả nặng nề, bởi nó không chỉ tác động, gây tổn thương đến toàn xã hội mà còn ảnh hưởng đến gia đình và người bị nạn.
Người bị tai nạn giao thông có thể mất đi mạng sống hoặc ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe; có thể chịu tàn phế, sống cuộc đời thực vật và bị ảnh hưởng đến tâm lý, khiến họ phải lo sợ mỗi khi ra đường…
Trong khi đó, gia đình có người thân bị tai nạn giao thông sẽ phải chịu đau đớn, mất mát rất nhiều về tinh thần, thể xác hoặc phải mất thời gian, công sức, chi phí để chăm sóc và điều trị cho họ.
Tai nạn giao thông còn dẫn đến gánh nặng cho xã hội, bởi có đến 70% số vụ, số người tử vong là thanh niên, người lao động chính trong gia đình.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng có thể xảy ra với bất kì ai, vào bất kỳ thời điểm nào, vậy nên để hạn chế và giảm thiệt hại do tai nạn, cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn của người tham gia giao thông.
Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông vẫn thường xuyên được các cơ quan chức năng triển khai; đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ qua Quyết định 3500/QĐ-BVHTTDL nhưng hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả, việc ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông vẫn chưa trở thành nếp. Điều này có một phần từ việc hệ thống pháp luật về giao thông chưa chặt chẽ, lực lượng thực thi pháp luật còn có biểu hiện nể nang, thậm chí có hành vi tiêu cực, dẫn đến nhờn luật!
Quyết định 3500/QĐ-BVHTTDL năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, trong đó có các tiêu chí như: Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh; tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; đi đúng làn đường, phần đường quy định; không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép; tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn; có ý thức xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn...
Việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và tiến tới là xây dựng văn hoá giao thông đối với người tham gia giao thông là việc cần phải làm thường xuyên, liên tục. Bởi, có thể hiểu, điểm căn bản của văn hóa giao thông chính là ý thức tự giác, tinh thần thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân. Mỗi người dân chỉ cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông; gương mẫu và tôn trọng mọi người tham gia giao thông; bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản, trật tự công cộng… là góp phần xây dựng nên văn hoá giao thông.
Việc xây dựng văn hóa giao thông tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông hiện đại, văn minh và một môi trường giao thông an toàn, thân thiện với con người, vì con người. Nếu làm tốt, sẽ hạn chế nạn tắc đường, tình trạng giao thông bát nháo hiện nay ở các đô thị lớn và nhất là kéo giảm rất lớn tình trạng tai nạn giao thông như hiện nay.
Nhiều người cho rằng, khi mà các giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người tham gia giao thông vẫn không được cải thiện, việc tăng cường xử phạt, tăng mức xử phạt kèm theo các hình thức phạt bổ sung khác cho các hành vi vi phạm giao thông là cần thiết; bởi nó vừa mang tính răn đe, vừa đóng góp cho ngân sách nhà nước để có nguồn đầu tư vào việc nâng cao văn hoá giao thông.