Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ra những quyết định quan trọng về công tác nhân sự. Một số cán bộ cấp cao có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; hoặc phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu… đã nhận những quyết định thỏa đáng. Khi việc miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đã thực sự không còn có “vùng cấm” như vậy, đồng nghĩa với vấn đề “có vào - có ra, có lên - có xuống” cũng đã vượt qua được lằn ranh đỏ và dần trở thành chuyện bình thường như quy luật vốn có.
Trước đây, “quan lộ” vẫn thường được hiểu theo cách “truyền thống” là chỉ thăng tiến hoặc cùng lắm là rẽ ngang, thậm chí đến tuổi nghỉ hưu thì “hạ cánh an toàn”, chứ hiếm khi đi lùi, đi xuống. Tuy nhiên, thực tiễn gần đây đã chứng minh rằng không có “truyền thống” nào có thể vượt khỏi “khung khổ” pháp luật và đứng ngoài “cái lồng” thể chế. Khi cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, khuyết điểm hoặc giảm sút uy tín, hoặc có nguyện vọng xin thôi chức vụ, họ đều được xem xét cho miễn nhiệm, được phân công công tác khác hoặc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và trách nhiệm quản lý có thể bị kỷ luật, bị xử lý hình sự… Việc cán bộ, đảng viên bị xóa tư cách, xóa chức vụ do có vi phạm, khuyết điểm trong những năm gần đây đã không còn là chuyện hiếm. Người ta cũng không còn bất ngờ trước việc cán bộ cấp cao phải ra hầu tòa nữa. Đây có thể được xem là một bước tiến đáng ghi nhận trong xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và là bước đột phá công tác xây dựng Đảng nói riêng, đặc biệt là khâu tổ chức cán bộ. “Có vào - có ra, có lên - có xuống” đã không còn là chuyện cấm kỵ, mà bây giờ được áp dụng “bất kể đó là ai”.
Gần đây, nhiều vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã và đang được điều tra, xét xử công tâm. Các đại án xảy ra tại Công ty Việt Á hay Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, dù liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, liên quan nhiều quan chức, nhưng phương châm của Đảng là kiên quyết, kiên trì xử lý đến cùng. Những gièm pha, xuyên tạc về “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “làm nhụt chí cán bộ”… đều đã được trả lời bằng thực tiễn: hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định; vị thế và uy tín của đất nước tiếp tục được nâng lên và đặc biệt là niềm tin của nhân dân đối với Đảng đang ngày càng được củng cố vững chắc. Mất cán bộ là điều không ai mong muốn và vô cùng đau xót, nhưng “sâu mọt” thì phải loại bỏ. Chỉ có như vậy mới giúp làm trong sạch bộ máy, thúc đẩy cán bộ, đảng viên tiếp tục phấn đấu và tu dưỡng hoàn thiện bản thân, đồng thời nhắc nhở, răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên trước những cám dỗ khắp nơi.
Ở đây, Đảng đã thể hiện rõ quyết tâm “nói đi đôi với làm”, nhất là việc tự soi, tự sửa ngay chính trong hệ thống của mình. Sau những vụ việc mới xảy ra, thực tế cho thấy một nguy cơ lớn vẫn đang rình rập phá hoại tiến trình cách mạng và sự phát triển của đất nước, đó chính là sự mục ruỗng, sự tha hóa, sự yếu kém về bản lĩnh của một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó tham nhũng và tiêu cực mới có cơ hội trỗi dậy. Như trong vụ án Việt Á, vụ án “chuyến bay giải cứu”, vụ án AIC hay mới đây nhất là vụ án liên quan đến đăng kiểm xe cơ giới, sai phạm được phát hiện mang tính hệ thống. Mặc dù vậy, trong những thời điểm khó khăn nhất, ở đó đã nổi bật lên quyết tâm, nỗ lực, sự bền bỉ của Đảng ta để làm trong sạch bộ máy, theo phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó. Tương tự như vậy, cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giảm sút uy tín cũng được xem xét cho thôi chức hoặc chuyển công tác. “Có vào - có ra, có lên - có xuống” trở thành yêu cầu tất yếu.
Theo báo cáo cuối tháng 11/2022 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tính từ đầu nhiệm kỳ XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 ủy viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các địa phương cũng đã xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận).
Việc Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội mới đây đã đồng ý, phê chuẩn miễn nhiệm một số lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ một lần nữa khẳng định kỷ cương, kỷ luật của Đảng đang được thực thi nghiêm túc, trong đó đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, mở ra tiền lệ cho việc giải quyết công tác nhân sự vốn là vấn đề rất nhạy cảm.
Bên cạnh việc làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, thực hiện “có vào - có ra, có lên - có xuống” như vừa qua còn là sự khích lệ đối với mọi cán bộ, đảng viên, tạo ra sự tin tưởng rằng bất kỳ ai cũng luôn có cơ hội thăng tiến chính đáng. Đây cũng là bài học quý cho mỗi cán bộ, đảng viên, đó là làm cán bộ không phải để “vinh thân phì gia”, mà mục đích cuối cùng là phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Đó chính là nền tảng để xây dựng một bộ máy quản trị quốc gia liêm chính, một xã hội liêm chính.
“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, hơn lúc nào hết, công tác cán bộ, nhất là đạo đức cán bộ, đang được Đảng ta chú trọng. Và ở đó, dù muộn còn hơn không, vấn đề “có vào - có ra, có lên - có xuống” đang được thúc đẩy mạnh mẽ thành chuyện bình thường, tạo thêm lực đẩy để xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước ngày càng vững mạnh.