Chuyện ứng xử với rác thải ở nơi công cộng, tưởng là chuyện nhỏ, nhưng đang trở thành mối quan tâm lớnkhông chỉ của các cấp chính quyền, cơ quan chủ quản, mà cả mỗi người dân Thủ đô. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã có một số hộ dân bị phạt tới hàng triệu đồng khi xả rác không đúng nơi quy định hoặc tiểu tiện, phóng uế bừa bãi. Quả là cái giá quá đắt và cũng là sự cảnh tỉnh cần thiết với những ai coi thường kỷ cương, thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người dân vẫn còn thơ ơ, coi đó là việc của thiên hạ, đâu phải của mình.
Bộ mặt cảnh quan đô thị của Thủ đô đang bị đe dọa bởi tình trạng xả rác vô tội vạ ở những nơi công cộng. Rác thải sinh hoạt có ở khắp các nẻo đường, vỉa hè, khu dân cư, điểm vui chơi công cộng... Cứ ra đường là thấy rác, bất kể ai, từ người già, trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên, người đạp xích lô, cả những người ăn mặc sang trọng, điều khiển những chiếc ô tô đắt tiền... cũng vô tư xả rác bừa bãi. Bất cứ ở đâu, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, khu dân cư, trường học, danh lam thắng cảnh, các tuyến phố trọng điểm khách du lịch thường hay qua lại..., không khó chứng kiến cảnh người ngồi trên xe gắn máy vứt giấy gói thức ăn, hay vỏ hộp sữa họ mới vừa uống xuống đường.
Mỗi khi nói đến ý thức nơi công cộng của người Việt Nam, đơn cử như việc bỏ rác đúng nơi quy định…, thì không ít người chép miệng, đó là điều xa xỉ, bởi đó là thói quen đã ăn vào tiềm thức của những người thiếu ý thức. Tình trạng xả rác bậy ra đường, phóng uế bừa bãi, coi hè phố như của mình... đang trở thành thói quen xấu, làm mất đi vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội. Những người vứt rác nơi công cộng không chỉ thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, không chỉ do trình độ dân trí thấp, mà còn do họ nhiễm một căn bệnh khó chữa: Chỉ lo cái lợi cho riêng mình mà phớt lờ lợi ích của cả xã hội, cộng đồng.
Hành vi xả rác thải bừa bãi tưởng là chuyện chẳng có gì đáng quan tâm, nhưng hậu quả của nó lại hết sức tai hại, không chỉ hủy hoại môi trường sống, làm mất mỹ quan đô thị, mà còn hình thành một thói quen xấu, lối sống ích kỷ của một bộ phận không nhỏ của người dân…
Hà Nội đang hướng tới đô thị thanh lịch, văn minh. Nhưng Hà Nội đang dần mất đi thiện cảm của du khách nước ngoài nếu những hình ảnh phản cảm từ rác thải vẫn cứ hiển hiện. Cho dù có nhiều tòa nhà hiện đại, nhiều cửa hàng dọc phố được trangtrí rất đẹp, nhiều bồn hoa đặt dọc phố, nhưng dưới lòng đường hoặc trên vỉa hè rác thải nhan nhản thì cũng thật khó lấy được thiện cảm của du khách.
Vậy giải pháp nào để cứu vãn thực trạng trên?
Đã có nhiều quy định pháp luật nghiêm cấm hành vi xả rác bừa bãi, đổ nước thải ra đường... Thế nhưng những quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Phải thừa nhận, nguyên nhân là do ý thức của nhiều người còn rất kém, trong khi đó những người thực thi luật pháp, chính quyền địa phương cũng thờ ơ việc nhắc nhở hoặc không kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về lối sống văn minh đô thị đối với người vi phạm.
Từng nhiều đợt ra quân làm sạch rác ở nơi công cộng được Hà Nội phát động, nhưng nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, có tính phong trào. Vấn đề đặt ra, phải làm thế nào để mỗi người dân nhận thức được rằng không vứt rác ra đường là góp phần làmgiảm cái giá phải trả cho sức khoẻ của xã hội và sức khoẻ của chính mình. Bởi vậy, cùng với những đợt ra quân, những chế tài xử lý đủ sức răn đe, thì những hoạt động giáo dục làm thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi của người dân là quan trọng, cần thiết hơn cả.