Vị trí của rác

Từ chỗ là đồ thải loại, thứ bỏ đi, hạng rẻ mạt, bẩn thỉu …, rác đang ngày một khẳng định vị thế của mình. Rác có thể là nguyên liệu đầu vào, là tiềm năng kinh tế, và gần đây nhất, rác là thứ có thể chiễm chệ phủ lên trên hoa.

Một "núi" rác thải ngàn tấn tại bãi rác Cam Ly, thuộc thành phố hoa Đà Lạt, vừa đổ sụp. Từ độ cao trên 60 mét, hàng ngàn tấn rác trượt xuống thành "suối rác" vùi lấp đất rẫy, đường giao thông. Hàng ngàn mét vuông hoa cúc, hoa cẩm tú cầu đang khoe sắc, trong chốc lát bị núi rác vùi lấp hoàn toàn. Nhà kính rồng rau của dân bị thiệt hại. Nước rác rỉ ra thành dòng, đen kịt, bốc mùi hôi thối, tràn xuống suối…

Không đơn thuần là tin tức, hình ảnh những luống hoa rực rỡ, đặc trưng cho cả một thành phố, cam chịu biến mất dưới sức nặng của lớp rác dày chiễm chệ, là hồi chuông khẩn thiết, tác động mạnh tới nhận thức của mỗi người.

Chú thích ảnh
Một góc "núi rác" Cam Ly sau khi đổ sụp.

Trước Đà Lạt, nhiều thành phố khác của nước ta cũng đã chịu sự “khống chế” của rác thải.

Gần đây nhất, trong tháng 7/2019, hàng loạt con đường nên thơ của thủ đô Hà Nội ùn ứ rác, những chiếc xe hơi đắt tiền không tìm được lối thoát bởi khoảng trống xung quanh chỗ đỗ xe chỉ sau 1 đêm đã bị quây kín bởi rác thải.

Trước đó nữa, tuần đầu tháng 7, tại “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, khoảng 700 tấn rác ùn ứ quanh các tuyến phố do không được thu gom. Đường Đỗ Anh Hàn, Lê Thanh Nghị đành trở thành chỗ chứa rác tạm, cơ quan hữu quan phải phun thuốc khử mùi tránh ảnh hưởng đến khu dân cư.

Cũng trong tháng 7/2019, tại thành phố biển xinh đẹp Phan Thiết, người dân xã Tiến Thành khốn đốn chống chọi với ruồi nhặng và mùi hôi thối cũng như những dòng nước rác đen ngòm từ bãi rác Bình Tú.

Dân cư “nhà giàu” ở quận 7, 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, trong đó có khu đô thị lớn nhất Việt Nam Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh) cũng có những ngày khổ sở bởi mùi hôi được cho là bốc lên từ bãi rác Đa Phước.

Trước đó, trước đó nữa, là không ít bãi rác thải khiến người dân bức xúc, còn chính quyền các thành phố, tỉnh, huyện phải đau đầu. Rác thải vượt ra khỏi lĩnh vực môi trường, trở thành vấn đề của trật tự xã hội.

Chú thích ảnh
Bãi rác tự phát tràn ra gần hết đường Tân Triều Mới (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), bốc mùi hôi thối nồng nặc, ngày 9/7/2019. Ảnh: Lê Phú

Sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng, làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Theo số liệu từ Tổng Cục Môi trường, rác thải rắn ở đô thị Việt Nam tăng 10 đến 16% mỗi năm. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam thải ra trên 30 triệu tấn chất thải rắn, một phần ba đến từ các khu vực đô thị, và chỉ 10% chất thải được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng. Theo Cục Bảo vệ Môi trường, lượng chất thải rắn phát sinh hằng ngày tính trên người là: Đô thị (toàn quốc): 0,7 kg/người/ngày; Nông thôn (toàn quốc): 0,3 kg/người/ngày; Thành phố Hồ Chí Minh: 1,3 kg/người/ngày; Thành phố Hà Nội: 1,0 kg/người/ngày; Thành phố Đà Nẵng: 0,9 kg/người/ngày.

Số lượng rác thải và tốc độ thải rác mạnh mẽ như vậy, nên rác thải đô thị nói riêng và rác thải nói chung không còn là câu chuyện của một tỉnh, một huyện, một xã hay khu dân cư cụ thể nữa. Rác thải không còn là vật vô giá trị, mà thực sự đã là vấn đề cấp thiết của cả đất nước, nếu muốn có một môi trường (nghĩa đen) thật sự trong lành, là nền tảng cho phát triển bền vững.

Đảng, Nhà nước ta đã và đang dành sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề xử lý rác thải. Điều này thể hiện qua nhiều văn bản, quy định ban hành về vấn đề môi trường nói chung và rác thải, rác thải đô thị nói riêng. Tuy nhiên, để những văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu lực của nó, cần sự vào cuộc ngay hôm nay từ mỗi người dân, mỗi tổ chức doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bản thân mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đời sống, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, trước khi xả rác, phải thực sự ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường chung, để không tiêu dùng, xả thải vô độ, bừa bãi, không đúng nơi quy định. Các nhà máy, đơn vị sản xuất phải bảo đảm trách nhiệm xây dựng và vận hành quy trình xử lý rác/nước thải không gây ảnh hưởng tới môi trường. Những đơn vị xử lý rác thải phải nhanh chóng nghiên cứu, đầu tư và áp dụng các công nghệ hiện đại, xử lý triệt để rác thải, tiết kiệm diện tích chôn lấp, bảo đảo môi trường trong lành cho người dân. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, không thể chậm chễ, bên cạnh việc ban hành các quy định nhằm bảo vệ môi trường, thì cần có những chế tài đủ sức nặng hơn nữa, nhằm bảo đảm răn đe, ngăn ngừa và thức tỉnh các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường của các cá nhân, đơn vị. Hãy nhìn một quốc gia rất gần chúng ta, Singapore, đã áp dụng một cách cứng rắn các hình phạt để giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Các hình phạt nghiêm khắc đối với việc xả rác bừa bãi khiến người dân cũng như các tổ chức phải thực sự ý thức và trách nhiệm với hành vi của mình, bảo vệ môi trường sống, sinh hoạt, lao động của mình, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Nếu không hành động ngay từ hôm nay, chắc chắn sẽ không chỉ một "thành phố ngàn hoa" trở thành... thành phố ngàn rác, mà rất nhiều đô thị của nước ta, thậm chí cả vùng nông thôn và mọi nơi trên dải đất này, cũng sẽ bị thống trị bởi rác thải.

Thuỳ Hương
Lâm Đồng: Sẽ hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại do hàng ngàn tấn rác vùi lấp đất vườn
Lâm Đồng: Sẽ hỗ trợ hộ dân bị thiệt hại do hàng ngàn tấn rác vùi lấp đất vườn

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, hàng ngàn tấn rác từ bãi rác Cam Ly (Phường 5, Đà Lạt) từ triền đồi đã bị trượt đổ xuống phía dưới, gây thiệt hại cho khoảng 7 ha đất vườn, nhà kính trồng rau, hoa của khoảng 7 hộ dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN