'Tự nguyện’ một cách ‘tự nguyện’

Sau niềm hân hoan khai giảng một vài tuần, là những xì xào trong các bậc phụ huynh về những khoản thu và những lớp học mang tên ‘tự nguyện”…

Bạn tôi, một người tham gia Ban Phụ huynh ở lớp của con, mấy hôm nay luôn trong tình trạng “đau đầu”. Như mọi năm, đây là thời điểm các thành viên của Ban Phụ huynh phải “đứng giữa” nhà trường và mấy chục gia đình của lớp với những hoàn cảnh khác nhau, để giải thích, thuyết phục, động viên, thương lượng… về các khoản thu đầu năm học và các nội dung liên quan tới học thêm, phụ đạo...vv.

Chú thích ảnh
Địa phương nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những khoản đương nhiên mà phụ huynh phải nộp như học phí, bảo hiểm, đồng phục, sách vở, học phẩm, nước uống… , còn vô vàn những “hạng mục” mà các bậc cha mẹ không thể không mở hầu bao. Điều hòa hỏng phải thay; máy chiếu phải bảo dưỡng; vệ sinh lớp học thi thoảng phải làm; chiếu, gối cho trẻ bán trú; chụp ảnh làm thẻ học sinh; tiền học tiếng Anh liên kết với trung tâm khác; tiền câu lạc bộ trông giữ học sinh sau giờ học… Có những khoản trong số này theo Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT là không được quyên góp trong phụ huynh, nhưng “vì tương lai con em chúng ta”, các bậc cha mẹ không thể chờ đợi, phải nhanh chóng đóng góp. Thậm chí, gần đây, qua báo chí, dư luận mới biết có những khoản thu “gây shock”, ví dụ thu để … mua bàn ghế ngồi học, bảng và rèm cửa; hay thu để chi vào việc… xin giáo viên dạy lớp năm sau. Thực tế thì các khoản thu – chi này vốn không xa lạ, nhất là trong các trường công lập, chỉ là đến nay mới được “vạch áo”, khiến dư luận bức xúc. Thông thường, phụ huynh cả lớp vẫn thống nhất với nhau, và lặng lẽ thực hiện, với cầu nối là Ban Phụ huynh, để đảm bảo môi trường học tập cho con em mình.

Vì là những khoản thu ngoài quy định, nên các khoản thu này sẽ được quy thành “tự nguyện”. Các bậc cha mẹ tự nguyện ủng hộ, tự nguyện quyên góp, tự nguyện đóng quỹ, tự nguyện đăng ký học thêm, tự nguyện xin học bổ trợ… Cụm từ “tự nguyện” thiêng liêng dần bị biến tướng, nhiều lúc mang ý nghĩa mỉa mai và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ngành giáo dục.

Tất nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể “tự nguyện” một cách dễ dàng. Có rất nhiều gia đình “chới với” vì các khoản thu dồn dập đầu năm học, nhất là những gia đình đông con nhỏ cùng đi học, hoặc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân giáo viên chủ nhiệm và các vị đại diện Ban Phụ huynh cũng vô cùng ái ngại khi đề cập về các khoản thu trước những hoàn cảnh khó khăn này.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện trong các trường học. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục phải rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, cho điểm… để kiên quyết loại bỏ tình trạng học sinh buộc phải tự nguyện “xin” đi học thêm. Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông cũng nêu yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học. Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành yêu cầu phải công khai các khoản thu, chi. Bộ GDĐT yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học. Tại Công văn số 4255/BGDĐT-TTr hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với hoạt động dạy thêm, học thêm; hoạt động thu chi đầu năm học, việc thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục; việc thực hiện các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, để các văn bản này thực sự phát huy hiệu lực, chứ không phải mãi là những văn bản ban hành định kỳ hàng năm học theo "thủ tục", thì cần lắm sự thấm nhuần trong nhận thức của các cơ sở giáo dục cũng như những người làm công tác quản lý giáo dục và từng giáo viên. Bên cạnh đó, cần sự thẳng thắn, chính trực của mỗi phụ huynh, mỗi Hội Phụ huynh trong việc quyết tâm đấu tranh với những biểu hiện sai trái, từ đó xây dựng một môi trường học đường thực sự trong sạch, lành mạnh, vì người học. Và điều thật sự cần thiết chính là sự kiên quyết, nghiêm minh của chính quyền địa phương trong việc xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định; đồng thời tổ chức tốt các kênh tiếp thu phản ánh và cơ chế xử lý những cá nhân, tập thể sai phạm.

Có như vậy, chữ “tự nguyện” trong các trường học mới được trả lại đúng ý nghĩa nguyên thuỷ của nó, là hành vi tốt đẹp được chuyển biến và thôi thúc từ nhận thức đúng đắn, không màng lợi ích cá nhân.

Thuỳ Hương
Thư Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới 2022 - 2023
Thư Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới 2022 - 2023

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư cho ngành Giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN