Gia Lai kiện toàn đội ngũ giáo viên trước thềm năm học mới 2022 - 2023

Trước thềm năm học mới 2022-2023, dự kiến các bậc học trên toàn địa bàn tỉnh Gia Lai tăng 234 lớp, với hơn 12.500 học sinh so với năm học trước.

Số lượng học sinh tăng cao đang khiến ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai gặp khó do thiếu giáo viên đứng lớp. Để giải quyết thực trạng này, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học cho năm học mới.

Áp lực thiếu giáo viên

Chú thích ảnh
 Một tiết học tại điểm trường làng Á, Trường TH Lê Hồng Phong, huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021, tổng số học sinh đến trường ở các cấp học trên địa bàn tỉnh tăng hơn 43.000 em, tăng hơn 12% so với năm 2015. Tuy nhiên, biên chế giáo viên lại không được bổ sung để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mà phải tiếp tục cắt giảm hàng năm theo quy định của Trung ương về tinh giản biên chế. Qua rà soát, toàn ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai hiện có trên 19.000 viên chức trong biên chế, còn thiếu trên 4.400 người (trong đó hơn 3.400 giáo viên và trên 1.000 nhân viên). Điều này đã khiến cho nhiều địa phương và các đơn vị trường học gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên đứng lớp, đặc biệt là ở bậc Mầm non và bậc Tiểu học.

Cô Trịnh Thị Tơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có 25 lớp với hơn 640 học sinh. Bước vào năm học này, nhà trường đang còn thiếu 3 giáo viên bộ môn gồm Âm nhạc, Tin học và Giáo dục thể chất. Riêng môn Tin học, nhiều năm nay, nhà trường không có biên chế giáo viên nên môn Tin học chưa được triển khai.

Tương tự, năm học này, Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Pleiku tuyển sinh được khoảng 850 học sinh cho trên 22 nhóm lớp và hiện tại nhà trường chỉ mới sắp xếp đảm bảo đủ 1 giáo viên/lớp, chủ yếu ưu tiên cho các lớp 5 tuổi. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Thủy, nếu tính theo tỷ lệ số học sinh/lớp so với số giáo viên cơ hữu của nhà trường đang thiếu 15 giáo viên. Thực tế hiện tại đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo để biên chế đủ cho các lớp. Vì vậy, bước vào năm học mới,  lãnh đạo nhà trường đang rất băn khoăn,  lo lắng.

Bên cạnh đó, thực hiện theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, năm học 2022-2023 sẽ là năm đầu tiên môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 ở bậc Tiểu học, thay vì tự chọn như trước đây. Việc này dẫn đến hầu hết các địa phương khó đáp ứng đủ số lượng giáo viên phụ trách giảng dạy hai bộ môn này.

Ông Phạm Văn Đại, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai cho biết: Hiện nay, khó khăn của ngành Giáo dục huyện là thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, hai bộ môn Tiếng Anh và Tin học đang rất thiếu giáo viên cho khối lớp 3. Cụ thể, toàn ngành còn 5 trường thiếu giáo viên Tiếng Anh và 8 trường thiếu giáo viên Tin học. Thêm vào đó, các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn vẫn còn khuyết hơn 70 giáo viên nên rất khó cho công tác chỉ đạo và điều hành.

Chủ động sắp xếp, kiện toàn

Chú thích ảnh
Một tiết học tại trường TH-THCS Nguyễn Du, xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Để đảm bảo chất lượng dạy và học trong năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng đến khâu sắp xếp, ổn định lại đội ngũ giáo viên tại các trường học.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku Nguyễn Đình Thức cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các trường căn cứ cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiện có để chủ động xây dựng kế hoạch trường lớp và sắp xếp biên chế giáo viên, học sinh đảm bảo theo quy định; đồng thời, trên cơ sở biên chế được giao, chủ động hợp đồng giáo viên, nhân viên còn thiếu.

"Qua rà soát nhu cầu nhân lực từ các trường học, năm học này, thành phố Pleiku thiếu khoảng 585 giáo viên và 83 nhân viên. Trước tình trạng thiếu giáo viên đông như vậy, đơn vị đã trao đổi với các nhà trường cố gắng xây dựng kế hoạch sắp xếp, dồn ghép trường lớp một cách tối đa để tiết kiệm biên chế được giao trong khả năng của mình. Đơn vị  đang làm thủ tục tiếp nhận 33 biên chế giáo viên từ nơi khác về địa bàn và tổ chức thu nhận 75 hồ sơ để tiến hành họp xét, sau đó, báo cáo kết quả cho UBND thành phố trình UBND tỉnh xin điều động giáo viên", ông Nguyễn Đình Thức chia sẻ thêm.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai Phạm Văn Đại thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, huyện còn thiếu xấp xỉ 300 giáo viên, nhân viên trong năm học mới này. Trước thực tế đó, đơn vị đã yêu cầu các trường học báo cáo lại số giáo viên còn thiếu và sẽ tính toán cụ thể để tăng cường từ nơi thiếu ít hoặc vừa đủ đến các trường còn thiếu để đảm bảo công tác giảng dạy. Ngoài ra, sẽ điều chuyển các giáo viên Tin học và Tiếng Anh từ các trường Trung học Cơ sở hỗ trợ tạm thời cho các tiết học ở các trường chờ biên chế. Sau khi có biên chế của tỉnh giao xuống, đơn vị sẽ tham mưu cho huyện tuyển biên chế hoặc có thể tạo điều kiện cho các trường hợp đồng giáo viên tạm thời trong thời gian đầu.

Chú thích ảnh
Một tiết học Tin học tại trường TH Bùi Thị Xuân huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương, tập trung đẩy mạnh sắp xếp mạng lưới trường lớp, các điểm trường; tăng sĩ số học sinh/lớp đến mức tối đa theo điều lệ các bậc học; điều tiết thừa thiếu cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang; điều động, bố trí giáo viên dạy liên cấp và đẩy mạnh xã hội hóa trường, lớp… 

Trao đổi về thực trạng này, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, để giải quyết triệt để bài toán thiếu giáo viên trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với các địa phương tính toán, tham mưu UBND tỉnh quyết định việc phân bổ gắn với sắp xếp, tổ chức lại trường lớp, các điểm trường, tăng sĩ số học sinh/lớp đến mức tối đa theo điều lệ các bậc học. Sau khi hoàn thành các nội dung mới tính toán lại việc thiếu, đủ giáo viên ở các địa phương để tiến hành phân bổ 1.244 chỉ tiêu mà Trung ương giao. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cấp tốc triển khai lập kế hoạch tuyển mới giáo viên Tiếng Anh bậc Tiểu học; chủ động xây dựng các phương án để tổ chức dạy Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 trong trường hợp thiếu giáo viên. 

Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu dạy và học trong giai đoạn mới, cũng như thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung thêm hơn 4.400 biên chế cho ngành Giáo dục tỉnh.

Hoài Nam - Xuân Huy (TTXVN)
‘Tiếp lửa’ năm học mới cho trẻ em vùng cao Mường Nhé
‘Tiếp lửa’ năm học mới cho trẻ em vùng cao Mường Nhé

Với sự đồng hành của Hoa hậu H’Hen Niê, nhiếp ảnh gia - Travel Blogger Tâm Bùi; UNIQLO, thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản, vừa trao tặng những sản phẩm đầu tiên trong tổng số hơn 7.000 sản phẩm được thu thập qua chương trình RE.UNIQLO, đến học sinh trường Tá Miếu (thuộc huyện miền núi khó khăn Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), góp phần mang đến một mùa tựu trường mới thêm ý nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN