Thông tin "từ ngày 15/5 tới đây, tất cả du khách trong và ngoài nước khi vào phố cổ Hội An sẽ phải trả phí tham quan 80.000 -120.000 đồng/người" đã thu hút sự quan tâm của không chỉ khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và người dân khu phố cổ. Tại nhiều diễn đàn, hai luồng ý kiến tranh luận rất quyết liệt: Người ủng hộ, người phản đối, ai ai cũng có lý lẽ riêng, thậm chí viện dẫn Đông, Tây, kim, cổ để bảo vệ cho quan điểm “thu là phí”, hay “phí nếu không thu”.
Nhóm phản đối thì dự đoán quyết định này có thể sẽ khiến du khách “quay lưng” với phố Hội. Khoản tiền vé là không lớn, nếu du khách có thời gian du ngoạn lâu lâu trong phố cổ ; nhưng với những người chỉ muốn tạt vào thăm dòng sông Hoài đôi ba phút hay nhâm nhi ly cà phê thì khả năng quay xe trước barie là khá cao. Hơn nữa, phố Hội còn là nơi sinh sống của người dân sở tại và các hộ kinh doanh nhỏ, việc quản lý ra/vào như thế nào để không bất tiện, không ảnh hưởng tới sinh hoạt và kinh doanh cũng là một vấn đề. Đại diện các công ty lữ hành – những doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải điều chỉnh giá tour mỗi khi có chi phí phát sinh, thì đương nhiên phản đối mạnh mẽ. Những lời khuyến cáo được đưa ra: Không nên “tham bát bỏ mâm”, hãy cân nhắc về nguồn thu lớn hơn từ các dịch vụ khác, vì du khách thường chi tiêu nhiều hơn là tấm vé qua cửa.
Những ý kiến phản đối không phải là không có lý, bởi đôi khi một chiếc barie không chỉ ngăn bước chân du khách, mà còn ngăn cản cảm tình về một điểm đến giàu bản sắc của ngành du lịch Việt Nam. Triển khai thu phí tham quan toàn bộ khu vực phố cổ, Hội An sẽ “về đích” là thành phố đầu tiên trên thế giới bán vé cho du khách, trong khi nếu so về những giá trị văn hoá và trải nghiệm với các thành phố nổi tiếng khác trên thế giới (mà vẫn miễn phí như lâu nay) thì không chung một cuộc đua. Và một câu hỏi được đặt ra: Nếu thành phố nào, khu vực nào trên dải đất hình chữ S này có chút hấp dẫn du khách cũng được rào chắn bán vé, thì tình trạng cát cứ tủn mủn sẽ đưa nền du lịch vừa mới lấy lại hơi thở sau dịch bệnh này về đâu?
Trong khi đó, có rất nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương thu phí tham quan khu phố cổ Hội An, với các lập luận chắc chắn: Tham quan một di sản, việc trả phí là hợp lẽ. Thực tế ở nước ta (và cũng như các quốc gia khác trên thế giới), hầu như các di tích, di sản đều có thu phí tham quan, dưới các hình thức khác nhau. Nguồn thu từ phí sẽ được phân bổ cho công tác duy tu, bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, quản lý, phát huy giá trị di tích (thông qua quy chế bảo vệ Di sản Văn hóa Thế giới). Việc phải trả phí cho các điểm tham quan cũng góp phần làm tăng trách nhiệm, ý thức của mỗi du khách khi trải nghiệm. Vả lại, mức thu 80.000 -120.000 đồng không quá cao, đối với các du khách đã sẵn sàng bỏ ra con số lớn hơn nhiều lần để đi từ xa tới Hội An. Cũng có ý kiến việc bán vé cho cả khu phố cổ cũng bảo đảm công bằng cho những khách đoàn mua vé vào từng cụm di tích đang phải chen chân với khách lẻ tự do. Còn có quan điểm cho rằng việc bán vé là biện pháp quản lý để điều tiết lượng khách ra vào khu vực phố cổ, nhằm đảm bảo mật độ người và không gian để du khách được cảm nhận bản sắc phố Hội, thay vì sự chen chúc quá tải hiện nay…
Thêm vào đó, theo thông tin từ Cục Di sản (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), trên thực tế, những năm qua, Hội An đã thực hiện việc thu phí tham quan di tích (với một số điểm trong khu vực phố cổ - trong khi toàn bộ khu vực phố cổ đều là khu di sản). Việc thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý đã được quy định rõ trong Luật Phí và lệ phí. Do đó, chủ trương thu phí tham quan khu phố cổ Hội An là hoàn toàn đúng thẩm quyền.
Trong lúc cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến vẫn chưa tới hồi kết, thì chính quyền TP Hội An khẳng định trên báo chí: Sẽ có cách làm phù hợp, không tạm dừng chủ trương này. Và lại xuất hiện thêm nhiều thông tin, về việc có người phải mua vé, có người không; có khu vực phải mua vé, có khu vực không… Vậy là dù phản đối hay ủng hộ chủ trương thu phí này của Hội An, thì dư luận lại tiếp tục quan tâm thêm những nội dung khác.
Nhìn lại cả quá trình từ lúc manh nha thông tin về thu phí tham quan phố cổ Hội An tới nay, điều tạo nên những luồng quan điểm trái chiều không chỉ là bàn thân việc thu phí và mức thu, mà chính là việc thiếu những thông tin kịp thời, đẩy đủ, công khai và minh bạch về chủ trương này. Người dân, doanh nghiệp và du khách là những đối tượng liên quan trực tiếp, thật sự cần được nghe chính quyền sở tại thông tin về lý do, mục tiêu và căn cứ của chủ trương thu phí vào khu vực phố cổ. Điều này cần tiến hành từ sớm, trước khi xảy ra những đồn đoán, băn khoăn. Có lý do hợp lý, có mục tiêu rõ ràng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, thì chủ trương dù là trong dự thảo, hay đã được xác định ngày triển khai, mới khiến dư luận “tâm phục khẩu phục”. Bên cạnh đó, một lộ trình bài bản, một phương pháp triển khai khoa học và khả thi, có lý có tình, có tính đến quyền lợi của tất cả các bên liên quan, mới thuyết phục được những cá nhân, tập thể quan tâm. Với mỗi mức phí được đưa ra, cũng cần có những căn cứ, những cơ sở vững chắc và lộ trình phù hợp..., thì mới có thể triển khai nhanh chóng trong thực tế.
Như vậy, thay vì ‘ném đá dò đường” để nhận rất nhiều dư luận trái chiều, thì bất kỳ một quyết định nào liên quan tới quyền lợi của người dân cũng cần được các cấp chính quyền, nhất là tại các địa phương, cấp cơ sở… thực hiện theo một kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp. Kế hoạch truyền thông này cần đảm bảo từ khâu khảo sát thực tế, nắm bắt nguyện vọng của những đối tượng liên quan, phân tích các khả năng, xây dựng những nội dung tuyên truyền, thực hiện công tác giải thích, vận động, thuyết phục… một cách bài bản. Phương pháp thực hiện chặt chẽ, với một thái độ lắng nghe, học hỏi, đối chiếu và chỉ ra các giải pháp cũng như xác định điều chỉnh (nếu cần) cho mọi quyết sách là điều vô cùng quan trọng.
Có như vậy, các chủ trương, chính sách của các địa phương mới có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn với sự đồng thuận cao của người dân. Và với trường hợp cụ thể “bán vé vào phố cổ Hội An”, công tác “thu” mới không "phí”, còn mọi khoản "phí" khi "thu" mới thực sự hợp lý, hợp tình.