Tuy có một vài nhân tố mới xuất hiện, nhưng phải thẳng thắn rằng, bóng đá Việt Nam đã có một mùa giải thất vọng, khi mà bạo lực sân cỏ không được ngăn chặn, khán giả quay lưng với bóng đá, vẫn phảng phất đâu đó những trận đấu “có mùi”; công tác điều hành giải bộc lộ nhiều yếu kém…
Không thể phủ nhận, V.League 2015 ít nhiều đã tạo được dấu ấn, trước hết là một số tên tuổi lớn của bóng đá Việt Nam được khẳng định khi B.Bình Dương đã giành chức vô địch trước 2 vòng đấu. Hoàng Anh Gia Lai cũng là đội bóng tạo nên điều chưa từng có trong lịch sử V.League. Mặc dù thi đấu thất bại, hay khi đang ngấp nghé bờ vực xuống hạng, nhưng đội bóng này thi đấu ở đâu, ở đó chật kín khán giả.
Khi mùa giải vừa kết thúc, không ít người đã đặt câu hỏi: Mùa giải V.League 2015 có tiêu cực không? Không khó đề trả lời rằng, chắc chắn là có, khi một loạt các trận đấu sau khi kết thúc đã khiến người hâm mộ nổi giận, báo giới cũng tốn không ít giấy mực. Trước những hoài nghi của dư luận, một số “ông bầu” không hề giấu giếm khi nói rằng, đội bóng của ông đã chơi không hết mình. HLV Trần Bình Sự (Đồng Nai) than thở với báo giới rằng, biểu hiện tiêu cực ở những vòng đấu cuối đã đẩy đội bóng của ông rớt hạng.
Những yếu kém vừa nêu có lẽ là nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam khó bước sang một trang mới, khó “gặt hái” được những thành công như mong muốn ở các cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ. Đây cũng là lý do, trong nhiều năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam luôn xếp sau Thái Lan, thậm chí cả Malaysia, Singapore và Indonesia. Nhìn vào thành tích ở các giải đấu khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam luôn xếp sau Thái Lan. Còn với sân chơi châu lục, như chiếc áo quá rộng đối với thực lực của chúng ta.
Có nhiều lý do để giải thích cho sự thất bại của bóng đá Việt Nam. Có thể thấy rõ là những dấu hiệu tiêu cực ở một giải đấu cao nhất (V.League) không được giải quyết một cách triệt để, nó cứ tồn tại từ mùa giải này sang mùa giải khác. Rồi nữa, công tác giáo dục đạo đức cho các cầu thủ cũng chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn biết trong bóng đá, ngoài yếu tố về chuyên môn, còn có cả yếu tố may rủi. Nhưng những thất bại nói trên đã cho thấy nhiều điều về chuyên môn, trong đó có bóng dáng những vấn đề mang tính cốt tử của một nền bóng đá, cả ở khâu xây đắp nền móng, cả khâu tổ chức, điều hành, lĩnh vực đầu tư cho bóng đá học đường, công tác huấn luyện, đào tạo trẻ...
Chỉ vài sự việc vừa nêu cũng đủ thấy thất vọng, nhưng sẽ thất vọng hơn, nếu như không có sự thay đổi trong cách đầu tư cho bóng đá. Hay nói cách khác, nếu không có sự thay đổi sâu rộng về cách làm thì chúng ta sẽ tiếp tục phải đón nhận sự thất vọng với thành tích của bóng đá Việt Nam ở các giải đấu lớn.
Đã đến lúc phải dám nhìn thẳng vào sự thật thì mới hy vọng bóng đá Việt Nam có được thành công trong tương lai.