Nguy cơ bạo lực sân cỏ bùng phát

Cuộc đối đầu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội T&T ở vòng đấu 24 V.League diễn ra ngày 1/9 trên sân Pleiku đã xảy ra một loạt sự cố. Cầu thủ hai đội đã lao vào ẩu đả sau khi trọng tài chính nổi còi kết thúc trận đấu.


Có lẽ, do tính chất quan trọng của trận đấu (Hoàng Anh Gia Lai đứng bên bờ vực xuống hạng), nên các cầu thủ của “bầu Đức” thi đấu quyết liệt quá mức cần thiết, khiến trận đấu nóng cả trong và ngoài sân cỏ. Ngày 8/9, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra quyết định kỷ luật thích đáng cả hai đội và các cầu thủ. Với người hâm mộ, chắc chắn họ sẽ không khỏi thất vọng về tương lai bóng đá nước nhà.

Bạo lực sân cỏ chẳng phải là vấn đề mới mẻ gì ở V.League. Hầu như vòng đấu nào các trọng tài cũng phải rút quá nhiều thẻ vàng để cảnh cáo lối chơi thô bạo của các tuyển thủ. Tại vòng 21 V.League 2015, trận đấu trên sân Cẩm Phả giữa Than Quảng Ninh và Hải Phòng đã kết thúc với "cơn mưa" thẻ phạt, 9 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ. Cá biệt là trường hợp của Văn Nam của Hải Phòng phải nhận thẻ đỏ kèm “án” phạt phải nghỉ thi đấu tới hết mùa giải.

Bạo lực sân cỏ có nhiều nguyên nhân, từ cách điều khiển trận đấu của trọng tài, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cầu thủ, sự tiếp tay của các đội bóng... Ngay từ những mùa giải trước, người ta đã nói nhiều tới việc ban tổ chức luôn xử các vụ bạo lực sân cỏ theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” đã làm các "con bệnh" lờn thuốc. Ban kỷ luật của VFF từng nhiều lần đề cập tới việc “xử nguội” các hành vi bạo lực trên sân cỏ. Nhưng trên thực tế, nó không được thực hiện tới nơi tới chốn, khiến cho các tuyển thủ, các đội bóng có “truyền thống” đá thô bạo không lấy đó làm bài học, coi đó là chuyện... bình thường. Trong nhiều mùa giải gần đây, rất nhiều cầu thủ có lối chơi mang tính triệt hạ đối phương, nhưng mức phạt mà VFF áp dụng lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Lâu nay, mỗi khi xảy ra bạo lực sân cỏ, các quan chức, lãnh đạo, cầu thủ các đội bóng thường đổ lỗi cho ban tổ chức hoặc trọng tài. Thực tế cho thấy, việc đội ngũ “cầm cân nảy mực” bị quy trách nhiệm, ở chừng mực nào đó chỉ đúng một phần. Bởi cũng có trường hợp, vì không kiểm soát nổi trận đấu, hay những biểu hiện tiêu cực ở các ông “vua sân cỏ” (nhận tiền bồi dưỡng của các đội bóng) khiến họ điều khiển trận đấu không còn công tâm, để xảy ra những lỗi nghiêm trọng. Đó là chưa kể một thói quen xấu, rất khó thay đổi: Hành động kích động bạo lực của khán giả, rất phổ biến ở nhiều địa phương. Hãy tự hỏi, vì sao Hà Nội T&T cứ thắng ở trong nước mà lại vắng khán giả và thi đấu quốc tế cứ thua vì bị đuổi người.

Cũng có ý kiến cho rằng, bạo lực bóng đá Việt Nam nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự dung túng, thiếu nghiêm minh của những người có trách nhiệm của VFF, lãnh đạo các đội bóng… Bởi nếu các cầu thủ được giáo dục tư tưởng, đạo đức một cách kỹ càng, án kỷ luật được đưa ra một cách nghiêm minh…, chắc chắn V.League sẽ không xảy ra những màn đấu võ, làm xấu xí hình ảnh bóng đá Việt Nam như những mùa giải gần đây.

Để loại bỏ triệt để bạo lực sân cỏ ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam, có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, cần quán triệt các trọng tài phải nặng tay với các pha vào bóng thô bạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đội bóng cũng phải thay đổi nhận thức. Thay vì đặt chiến thắng bằng mọi giá, hãy chú tâm vào chất lượng của thứ bóng đá mà họ theo đuổi.

Yến Nhi
Bạo lực sân cỏ đang lờn thuốc
Bạo lực sân cỏ đang lờn thuốc

Màn ẩu đả của các tuyển thủ trên “chảo lửa” Lạch Tray (Hải Phòng) tại vòng 17 mới đây thực sự là cú sốc lớn đối với bóng đá Việt Nam. Sau màn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nói trên, đã có gần chục cầu thủ phải nhận các mức phạt khác nhau của Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN