Làm sao ngăn được bạo lực sân cỏ

V-League vốn chẳng nhiều sức hấp dẫn, lại càng trở nên “xấu xí” trong mắt người hâm mộ sau những pha bóng nhuốm màu bạo lực gần đây. Những án phạt nặng và kiên quyết đã được đưa ra, nhưng đó có lẽ vẫn chưa phải là giải pháp để xử lý tận gốc vấn nạn này.


Một cú tắc, một sự nghiệp


Hình ảnh cầu thủ nằm sân và được khiêng ra đường biên bằng cáng đã trở nên quen thuộc trong các trận đấu V-League. Quen thuộc đến mức nhiều người xem đó là chuyện bình thường, là “thước đo” cho mức độ nóng bỏng, quyết liệt của mỗi trận đấu. Chỉ đến khi có cầu thủ đứng trước nguy cơ phải giải nghệ vì lối chơi đó, thì người ta mới giật mình.

Những pha vào bóng bằng cả hai chân vẫn diễn ra thường xuyên ở V-League.


V-League mùa giải này mới đi qua 7 vòng đấu, nhưng nhiều pha bóng bạo lực đã làm dậy sóng các diễn đàn. Điển hình là cú vào bóng như một pha kung-fu của cầu thủ nhập tịch Đinh Văn Ta (XM The Vissai Ninh Bình) đối với Danny David, khiến cầu thủ của Đồng Tâm Long An bị ngất xỉu ngay trên sân và phải nhập viện khẩn cấp. Trong trận Than Quảng Ninh gặp Hoàng Anh Gia Lai, pha tranh chấp 50 - 50 giữa Alaan Bruno và Vũ Anh Tuấn cũng để lại một hình ảnh đáng sợ: Cổ chân của Bruno bị lật và gãy xương mác, khiến cầu thủ của Than Quảng Ninh vô cùng đau đớn và gào khóc thảm thiết. Chưa dừng lại ở đó, cú vào bóng của Trần Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) đối với Nguyễn Anh Hùng (Hùng Vương An Giang) đã khiến người đồng đội cũ bị gãy ống quyển và chưa biết đến khi nào mới có thể quay lại sân cỏ.


Không dung túng cho hành vi bạo lực, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đưa ra những án phạt nghiêm khắc. Nếu như Đinh Văn Ta bị cấm thi đấu 5 trận và phải nộp phạt 15 triệu đồng, thì Đình Đồng phải chịu mức án kỷ lục và bây giờ đã nổi tiếng thế giới: Bị cấm thi đấu hết năm 2014, nộp phạt 20 triệu đồng và có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho nạn nhân.


Quan điểm của quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, cũng như của Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường trong vụ việc của Đình Đồng là rất rõ ràng và nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận: Phải xử lý ở mức kịch khung thì mới tạo ra sự răn đe, phòng ngừa nạn bạo lực sân cỏ. Nếu nương tay với bạo lực sân cỏ thì chẳng ai dám chơi bóng đá nữa. Và nếu bóng đá “xấu xí” thì không ai muốn đầu tư nữa. Các nhà tài trợ và đặc biệt là người hâm mộ sẽ quay lưng với bóng đá. Khi ấy, nền bóng đá Việt Nam sẽ mất rất nhiều thứ.


Giáo dục ý thức cầu thủ


Việc VFF “tuyên chiến” và mạnh tay xử lý tình trạng bạo lực sân cỏ như vừa qua là điều đáng mừng. Những án phạt nghiêm khắc là lời cảnh báo, răn đe, khiến cầu thủ phải chùn chân trong các tình huống có thể gây nguy hiểm cho đối phương. Tuy nhiên, án phạt vẫn chỉ được xem là giải pháp tức thời. Thậm chí, nếu không xử lý khéo, án phạt có thể sẽ dẫn đến sự bất phục và nếu kéo dài âm ỉ thì một ngày nào đó có thể biến thành những hành động “trả đũa”.


Hiện tại, phía Sông Lam Nghệ An đang phản ứng mạnh mẽ trước án phạt đối với Đình Đồng. HLV Nguyễn Hữu Thắng cho rằng VFF không xem xét thấu đáo sự việc, dẫn đến một án phạt quá nặng và có thể “triệt hạ” chính sự nghiệp của Đình Đồng. Vậy nên, họ đang tiến hành các thủ tục kháng cáo.


Tổng số thẻ vàng kể từ đầu giải V-League 2014 là 204 thẻ (trung bình 5,10 thẻ/trận), cao hơn so với con số trung bình của mùa giải trước (4,7 thẻ/trận). Cũng đã có 9 thẻ đỏ được rút ra (trung bình 0,23 thẻ/trận), thấp hơn so với con số 0,31 thẻ/trận của mùa giải trước.

Theo ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), lối chơi bạo lực của các cầu thủ phản ánh trình độ bóng đá hiện nay của Việt Nam. Nhiều khi cầu thủ không cố ý “triệt hạ” đối phương, nhưng do xử lý tình huống kém nên tai nạn vẫn xảy ra. Ông Viễn đánh giá: “Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của cầu thủ V-League còn hạn chế, dẫn đến những pha xử lý bóng thiếu chính xác, mang tính 5 ăn, 5 thua, dễ gây chấn thương cho đồng nghiệp”.


Như vậy, ngoài những án phạt nghiêm khắc cho từng trường hợp vi phạm cụ thể, giải pháp gốc rễ cho vấn nạn bạo lực chính là nâng cao chất lượng của các giải đấu chuyên nghiệp. Đây là điều mà bóng đá Việt Nam vẫn đang hướng tới sau hơn một thập kỷ đặt những viên gạch chuyên nghiệp đầu tiên, nhưng không dễ thực hiện được.


Ngoài ra, theo ông Phạm Ngọc Viễn và nhiều chuyên gia bóng đá khác, các CLB cần phải tăng cường giáo dục ý thức cầu thủ trong quá trình đào tạo, huấn luyện và thi đấu, để từng cầu thủ phải biết tôn trọng đôi chân, cũng là cả sự nghiệp của đồng nghiệp. Về mặt này, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG là một tấm gương sáng. Các cầu thủ ở đây, thông qua thực tế thi đấu của U19 Việt Nam thời gian qua, luôn có ý thức chơi một thứ bóng đá cống hiến và không hề “trả đũa” khi bị đối phương chơi xấu, bị vào bóng ác ý. Vì thế, dù vẫn có những trận đấu thua, thậm chí là thua đậm, nhưng họ vẫn luôn được người hâm mộ khen ngợi, cổ vũ.

 

Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN