Bạo lực sân cỏ không thể dung túng

Tiền vệ Anh Khoa của Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng sắp phải lên bàn mổ sau pha vào bóng thô bạo của trung vệ Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) ở trận đấu tại vòng 25 V - League 2015 cuối tuần qua.


Tiền vệ Anh Khoa của Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng sắp phải lên bàn mổ sau pha vào bóng thô bạo của trung vệ Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) ở trận đấu tại vòng 25 V - League 2015 cuối tuần qua. Xem lại tình huống này, nhiều người không khỏi rợn người trước pha vào bóng bằng gầm giầy trúng ống đồng đối phương của Ngọc Hải. Nếu Anh Khoa không nhanh chân nhảy lên tránh đòn, chắc chắn chấn thương của cầu thủ này sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều.

Xin được mở ngoặc, Ngọc Hải là đội trưởng U23 Việt Nam, anh chơi nổi bật trong đội hình của U23 Việt Nam tại SEA Games 28 mới rồi. Chính vì vậy mà Ngọc Hải trở thành hình tượng của rất nhiều bạn trẻ và chiếm được cảm tình của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Thật tiếc, do không giữ được cái đầu lạnh, Ngọc Hải đã không có ý thức giữ gìn đôi chân cho đồng nghiệp và hành động đó cũng chính là không tôn trọng nghề nghiệp của bản thân, không tôn trọng khán giả, không tôn trọng tinh thần fair - play của bóng đá.

Sau trận đấu, Ngọc Hải lên tiếng thanh minh, cho rằng lỗi do ham bóng, không phải ác ý. Tuy nhiên, có thanh minh thế nào, đó vẫn là một pha bóng bạo lực, mang tính triệt hạ đối thủ, không thể chấp nhận được ở một tuyển thủ quốc gia như Ngọc Hải.

Vấn đề cần nói, bạo lực sân cỏ đang được dung túng ở đấu trường V - League. Sự cố xảy ra ở trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và Đà Nẵng tại vòng đấu 25 vừa qua đã nói lên tất cả. Sở dĩ có quan điểm này là bởi lẽ, đáng ra ngay sau trận đấu, Ban tổ chức giải đấu cần thể hiện quan điểm cứng rắn, chí ít là đưa ra mức hình phạt như “treo giò” dài hạn, cấm khoác áo tuyển quốc gia... nhằm răn đe; nhưng thật tiếc, họ lại im lặng. Rồi trách nhiệm của tổ trọng tài điều khiển trận đấu, đặc biệt là trách nhiệm của trọng tài chính Phùng Đình Dũng. Xem lại băng hình trận đấu, có thể thấy trọng tài chính đứng rất gần, quan sát rõ tình huống vào bóng rợn người của Ngọc Hải, nhưng ông chỉ rút thẻ vàng, thay vì thẻ đỏ.

Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực bùng phát cũng xuất phát từ sự dung túng, bản lĩnh thiếu cứng rắn của đội ngũ trọng tài. Phần lớn các trọng tài ở V - League không thể hiện được cái uy trên sân cỏ. Cái uy thể hiện qua tác phong bên ngoài, đến cử chỉ, lời nói đòi hỏi phải chuẩn mực, đàng hoàng, cương quyết khi điều khiển các trận đấu...

Có quan điểm cho rằng, trong bóng đá chuyên nghiệp, nếu chơi thiếu máu lửa, thiếu nhiệt huyết, thì bóng đá sẽ không còn bản sắc và không có sức hút khán giả. Tuy nhiên, thi đấu máu lửa không đồng nghĩa với đá thô bạo. Khán giả đến sân là để thưởng thức thứ bóng đá đẹp, không phải để xem những màn đấu võ. Trong bóng đá thắng thua là chuyện bình thường. Nhưng nó sẽ trở thành mối lo và thực sự là nguy cơ nếu những người cầm cân nẩy mực thất bại trong việc giáo dục đạo đức cho các cầu thủ. Còn với các cầu thủ, nếu họ cứ giữ lối chơi bạo lực, coi nhẹ đôi chân đồng nghiệp, chắc chắn sẽ lĩnh hậu quả khi đi thi đấu ở đấu trường quốc tế.

Có thể nói, với những gì diễn ra, bóng đá Việt Nam đang bị mất điểm trước giới chuyên môn và cả người hâm mộ. Điều dư luận quan tâm lúc này, liệu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có thực sự quyết tâm tuyên chiến với nạn bạo lực sân cỏ? Nếu các câu lạc bộ không chú trọng tới công tác giáo dục đạo đức cầu thủ, bạo lực sân cỏ không được ngăn chặn, chuyện khán đài V - League ngày càng thưa vắng khán giả cũng là dễ hiểu.

Yến Nhi
Nguy cơ bạo lực sân cỏ bùng phát
Nguy cơ bạo lực sân cỏ bùng phát

Cuộc đối đầu giữa Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội T&T ở vòng đấu 24 V.League diễn ra ngày 1/9 trên sân Pleiku đã xảy ra một loạt sự cố. Cầu thủ hai đội đã lao vào ẩu đả sau khi trọng tài chính nổi còi kết thúc trận đấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN