Trách nhiệm không thể 'chung chung'

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 15/7 để bàn các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đã nêu rõ tinh thần chỉ đạo quan trọng nhất của Chính phủ là yêu cầu Bộ Công Thương, ngành điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để xảy ra tình trạng thiếu điện đối với sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân trong giai đoạn tới.

Nhấn mạnh không thể phủ nhận những cố gắng của các bộ, ngành để bảo đảm đủ điện trong những năm qua, nhất là trong những đợt nắng nóng, tuy nhiên, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều chủ trương, biện pháp mà Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã kết luận, có thông báo chi tiết nhưng việc triển khai nhiều dự án nguồn điện, nhất là dự án có quy mô lớn đã bị chậm tiến độ, khiến xuất hiện nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2022-2023, thậm chí ngay từ năm 2021.

Chú thích ảnh
Điện được coi là "mạch máu nuôi sống nền kinh tế" - Ảnh: TTXVN

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, có thể thấy thực trạng mất cân đối cung-cầu về điện do sự bất hợp lý trong cơ cấu nguồn điện cũng như việc chậm tiến độ trong các dự án lớn về xây dựng hệ thống truyền tải và dự án phát điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong hai năm 2019-2020 ngành điện dự kiến sẽ đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW điện; trong đó các nhà máy nhiệt điện than chiếm gần 2.500MW, các nhà máy thuỷ điện là 592 MW, còn lại các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW. Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ trong đó nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động rất lớn. Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể dẫn tới nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Thừa nhận nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra tại miền Nam trong giai đoạn sắp tới, trong đó nghiêm trọng nhất sẽ rơi vào năm 2023 với mức thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp về cơ chế, tiến độ các dự án và cả giải pháp "tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc".

Có thể thấy trong các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ gần đây, vấn đề đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng cũng như giá điện thường xuyên được nhắc đến, không chỉ điện được ví như là "mạch máu nuôi sống nền kinh tế", mà đây còn là một yếu tố sát sườn đối với sinh hoạt của người dân, thậm chí là "sống còn" đối với doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm ngoái, bày tỏ sự lo lắng trước nhiều cảnh báo có khả năng đất nước sẽ thiếu điện trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: "Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức".

Tất nhiên, trong câu chuyện làm thế nào để cung cấp đủ điện với mức giá hợp lý cho nền kinh tế nói riêng và cho xã hội nói chung có trách nhiệm không chỉ của Bộ Công Thương mà liên quan tới nhiều bộ ngành, địa phương khác nhau. Báo cáo của Bộ về tình hình thực hiện các dự án điện đã nêu ra một loạt vướng mắc về công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, đền bù giải phóng mặt bằng khó khăn, vốn đầu tư hạn hẹp, năng lực nhà thầu yếu… Cụ thể, về nguy cơ thiếu điện cho khu vực miền Nam, báo cáo nêu "lãnh đạo một số địa phương không ủng hộ đầu tư xây dựng nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh mặc dù các dự án này đã có trong Quy hoạch…".

Ngay cả trong Bộ Công thương thì trách nhiệm cũng không chỉ có Tập đoàn Điện lực (EVN). Để "nuôi" các nhà máy phát điện hiện có và sắp có cũng như đầu tư phát triển các dự án mới, rất cần trách nhiệm phối hợp của các tập đoàn chủ lực Nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí. Đó còn chưa kể đến một nguồn lực rất lớn từ các nhà đầu tư thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong việc xã hội hóa phát triển nguồn điện. Thường thì các dự án hấp dẫn về lợi nhuận sẽ được nhà đầu tư quan tâm, trong khi các dự án có lợi cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội thì ít được coi trọng.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, trong những vấn đề của ngành điện, trách nhiệm chủ lực vẫn phải là Bộ Công Thương và EVN chứ không thể là một "trách nhiệm chung chung". Sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án phát điện, nhất là các dự án điện Mặt trời, năng lượng tái tạo; cũng như sự hợp tác của người dân trong tiết kiệm điện cũng rất quan trọng, nhưng chỉ là điều kiện đủ để Việt Nam có một nền năng lượng tự cường. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị Thường trực Chính phủ vừa qua, là "các bộ, ngành phải nhận thức đúng đắn nhiệm vụ bảo đảm điện trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không được để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào. Bộ Công Thương, EVN phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhân dân trong việc bảo đảm đủ điện".

Lê Vũ Hội
Thủ tướng: Phải bảo đảm minh bạch trong quá trình đầu tư, sản xuất điện
Thủ tướng: Phải bảo đảm minh bạch trong quá trình đầu tư, sản xuất điện

Chiều 15/7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp bàn các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN