Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam

Các tỉnh phía Nam đang bước vào thời kỳ mùa khô với nắng nóng kéo dài diễn ra trên diện rộng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Trong khi đó thực tế cho thấy, khu vực này có nguy cơ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu về điện.


Mất cân đối cung - cầu


Tổng Công ty (TCT) Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, khu vực này vốn không tự cân đối được công suất nội miền và luôn phải nhận thêm điện từ miền Bắc và miền Trung truyền tải vào. Năm nay, khu vực miền Nam cũng chỉ có 2 tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được đưa vào vận hành với tổng công suất 1.200 MW. Bên cạnh đó, các máy biến áp 500 kV Phú Lâm - Tân Định, Sông Mây và các đường dây 500 kV Pleiku - Di Linh - Tân Định, Đăk Nông - Phú Lâm luôn phải truyền tải với công suất cao. Trong khi đó, hiện mức dự phòng công suất ở miền Nam rất thấp, nhiều tháng gần như không có và thiếu công suất đỉnh. Bởi vậy, nguy cơ mất cân đối cung cầu một số thời điểm trong năm tại các tỉnh trong khu vực luôn tiềm ẩn, nhất là vào thời điểm nắng nóng diễn ra trên diện rộng.

Công nhân Công ty Xây lắp điện 2 đấu nối dây dẫn và cáp quang sang đường dây mới tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).


Theo ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC, tại 21 tỉnh, thành phía Nam trong khu vực TCT quản lý, lưới điện xung yếu chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân. Thậm chí, lưới điện ở Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An đang hoạt động trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các trạm và đường dây 220 kV như trạm 220 kV Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2, Vũng Tàu, Mỹ Xuân, Tây Ninh, Hàm Tân, Đức Hòa lại rất chậm.


Từ ngày 15/3, hệ thống cung cấp khí PM3 cho các nhà máy điện ở Cà Mau gặp sự cố nên sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điện trong vùng. Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có tổng công suất 1.500 MW, cung cấp 15% nhu cầu tiêu thụ điện toàn miền Nam và gần 54% nhu cầu tiêu thụ điện khu vực miền Tây.


Do tính cấp thiết của việc cung ứng điện cho miền Nam trong năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đặt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là “Điện cho miền Nam cùng với tối ưu hóa chi phí”. Theo đó, EVN sẽ triển khai một số dự án đầu tư quan trọng như các dự án nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2 - Vĩnh Tân 4; các công trình lưới điện truyền tải đấu nối với các trung tâm nhiệt điện này và các dự án truyền tải, phân phối cấp bách khác ở miền Nam.


Là đơn vị cung ứng điện cho 21 tỉnh, thành phía Nam, ngay từ đầu năm nay, EVN SPC đã xây dựng tiêu chí, nhu cầu đầu tư và phương án thu xếp vốn đầu tư lưới điện từ 22 đến 220 kV cho các năm 2014, 2015. Các dự án này khi hoàn thiện sẽ đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định trên toàn địa bàn. Ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng Giám đốc EVN SPC chia sẻ, việc đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các dự án chính là tiền đề quan trọng để đơn vị đảm bảo tiến độ các dự án, công trình trọng điểm cấp điện cho khu vực miền Nam.


Chủ động cung ứng


Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho miền Nam trong năm nay, trước mắt là cao điểm mùa khô này, EVN SPC đã giao cho Công ty Lưới điện cao thế miền Nam rà soát phương thức vận hành lưới điện 110 kV, giúp tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng kỹ thuật; thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thí nghiệm các công trình cải tạo lưới điện 110 kV.


Theo dự báo của EVN SPC, công suất sử dụng lớn nhất tại khu vực này sẽ lên đến 7.147 MW trong tháng 4 tới, tăng 15% so với năm 2013. Nhu cầu tiêu thụ điện sẽ cao liên tục trong khoảng từ nay đến giữa năm.

Các công ty điện lực đã làm việc với khách hàng lớn để nắm nhu cầu phụ tải, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện. Công ty điện lực các địa phương cũng có phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản, chống hạn, chống úng, ngăn dịch bệnh, các sự kiện chính trị-xã hội. Các tỉnh cũng chủ động khai thác tối đa công suất các nguồn thủy điện nhỏ ở Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng và Tây Ninh.


Ông Nguyễn Phước Quý Hải, Phó Ban Kỹ thuật sản xuất (EVN SPC) cho biết, các công ty điện lực cũng giám sát chặt chẽ công tác quản lý kỹ thuật-vận hành lưới điện, chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố xảy ra. “Cùng với đó, EVN SPC tập trung hoàn thành kế hoạch đầu tư lưới điện 110 kV để đảm bảo cấp điện cho miền Nam trong điều kiện vốn đầu tư ít nhất nhưng phải đạt được hiệu quả cấp điện cao nhất”, ông Lễ cho biết thêm. Theo ông Hải, một trong những biện pháp điều hòa phụ tải khác cũng đã được tính đến là vận động khách hàng chuyển sản xuất từ giờ cao điểm vào giờ thấp điểm để giảm căng thẳng về cung cầu.


Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN