Bài 1: Thiếu than, nhiều nhà máy nhiệt điện hoạt động cầm chừng
Thiếu 8 triệu tấn than cho năm sau
Tháng 11/2018, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh nằm ngay vùng lõi than của cả nước thông báo phải dừng vận hành 2 trên 4 tổ máy vì thiếu than sản xuất. Cụ thể, nhà máy thiếu 145.000 - 200.000 tấn than để phát đủ 4 tổ máy, mỗi ngày mất khoảng 10 triệu kWh, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng.
Đây không phải câu chuyện cá biệt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhiều nhà máy nhiệt điện khác thuộc tập đoàn này cũng phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện như Nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng, Thái Bình...
Theo tính toán của EVN, để đáp ứng yêu cầu phát điện trong tháng 12, các nhà máy của EVN cần 3,08 triệu tấn than, trong đó than antraxit sản xuất trong nước là 2,55 triệu tấn. Trong khi đó, kế hoạch cung ứng của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (Than Đông Bắc) cho EVN chỉ là hơn 2 triệu tấn, thấp hơn so với nhu cầu 500.000 tấn.
Tính trong cả năm nay, tổng khối lượng than TKV đã cấp cho EVN thấp hơn 690.000 tấn so với hợp đồng đã ký.
Thực tế có nhiều nguyên nhân khiến việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện không đạt yêu cầu, trong đó có lý do năm nay thủy văn không tốt, thủy điện phát điện không đạt, do đó phải tăng sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng đủ nhu cầu điện.
Bên cạnh đó, nhu cầu than tăng vọt do một loạt các nhà máy nhiệt điện đi vào vận hành. Sản lượng điện than năm 2018 tăng khoảng 33% so với năm ngoái nên nhu cầu than sẽ tăng tương ứng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Hiện nay, EVN chỉ mua than của TKV và Than Đông Bắc, không mua của nguồn nào khác. EVN nhập khẩu mỗi năm khoảng 7,7 triệu tấn than cho 2 dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3, dự kiến năm 2019 sẽ nhập 10 triệu tấn cho 2 nhà máy đó.
“Kế hoạch sản xuất năm 2019 cần khoảng 54 triệu tấn than. Trong đó EVN nhập khẩu 10 triệu tấn than cho 2 nhà máy nhiệt điện, còn cần khoảng 44 triệu tấn than antraxit trong nước. TKV và Than Đông Bắc không cung cấp đủ, dự kiến thiếu 8 triệu tấn”, ông Tri cho hay.
Giải bài toán thiếu than bằng việc nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: TKV và Than Đông Bắc đã rất cố gắng nhưng lượng nước thiếu hụt ảnh hưởng đến sản xuất thủy điện và phải tăng nhiệt điện than để bù vào.
“Để giải quyết tình hình này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ phương án nếu trong nước không đủ than cung ứng thì sẽ phải nhập than nhằm đảm bảo cung cấp đủ than để sản xuất điện, không để thiếu điện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Được biết, EVN đã xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhập khẩu số than thiếu cho các nhà máy điện phía Nam. Phó Thủ tướng đã đồng ý chủ trương, nếu TKV và Than Đông Bắc không cung cấp đủ than thì EVN trực tiếp nhập khẩu để bù vào phần thiếu hụt.
Ông Đinh Quang Tri cho biết thêm, bên cung cấp than và bên mua than đã họp với nhau và đi đến thống nhất: Trong số 8 triệu tấn than thiếu, EVN sẽ nhập 4 triệu tấn, còn lại 4 triệu tấn, TKV và Than Đông Bắc sẽ nhập và bán lại cho EVN theo cơ chế đăng ký giá với Bộ Tài chính.
Hiện công việc đã bắt đầu triển khai, đặt hồ sơ mời thầu mua than quốc tế. Như vậy vấn đề than cho điện sẽ được giải quyết dứt điểm. Giá than mua quốc tế sẽ theo giá thị trường. Hiện bảng giá than TKV và Than Đông Bắc bán cho EVN áp dụng từ 5/12 đã tăng 5%. Điều này có thể khiến giá thành điện tăng theo. Tuy nhiên, giá điện năm tới như thế nào còn phụ thuộc kế hoạch sản xuất năm 2019 chờ Bộ Công Thương phê duyệt.
“Các đơn vị phải kí hợp đồng dài hạn giữa bên bán và bên mua, cụ thể ở đây là TKV, Than Đông Bắc và các đơn vị phát điện của EVN, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng và Bộ Công Thương có phương án mua than, đáp ứng nhu cầu”, ông Tri cho hay.
Như vậy về cơ bản sẽ đủ than đáp ứng nhu cầu phát điện trong năm tới. Tuy nhiên, mối lo thiếu điện vẫn chưa hết khi rất nhiều khó khăn vẫn hiển hiện trước mắt ngành điện: thủy điện thiếu nước, khí thiên nhiên suy giảm…
Bài 2: Tăng trưởng điện 2 con số, không nguồn cung nào đáp ứng nổi