Ngược dòng lịch sử, ngay từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quan tâm, xúc tiến thành lập Hội giúp binh sĩ tử nạn và Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm chủ tịch danh dự của hội.
Sau đó, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ, tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ, Thái Nguyên. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2.000 người tham gia. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đều có thư và quà để gửi đến các thương binh và gia đình liệt sĩ.
Đến nay, hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào rộng khắp, được các cấp các ngành tổ chức thường xuyên liên tục với nhiều việc làm cụ thể như: Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời; tổ chức giúp đỡ các gia đình có công với đất nước, thăm hỏi tặng quà trong các dịp lễ, Tết; đóng góp công sức tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ… Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và hầu hết các gia đình có công với đất nước đều có mức sống ngang bằng hoặc hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú. Có thể khẳng định, công tác đền ơn đáp nghĩa đã được thực hiện tốt, tạo nên nhận thức sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh ý nghĩa chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, các hoạt động tri ân còn là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử các cuộc kháng chiến hào hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, động viên tinh thần dũng cảm, xả thân vì Tổ quốc trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng ngày nay.
Vậy nhưng trong khi nhận thức và hành động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn lan tỏa rộng rãi thì có một “nốt trầm” khiến chúng ta phải suy ngẫm, rằng tại sao môn lịch sử vẫn khiến nhiều bạn trẻ ngại học, điểm thi lịch sử tại kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua vẫn “đội sổ”? Nhiều ý kiến đã phân tích, nhưng chắc chắn rằng lỗi không phải ở các em học sinh. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ cách dạy lịch sử chưa hấp dẫn, nặng về số liệu… Mà những hoạt động đền ơn đáp nghĩa lại chính là những bài học cụ thể trực quan sinh động nhất.
Ông nội tôi là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, phần mộ của ông hiện an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nghĩa trang liệt sĩ ngày càng được tu bổ khang trang, đón nhiều đoàn cán bộ, nhân dân và học sinh đến viếng trong những dịp kỷ niệm, lễ Tết… Nhưng cũng như nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trên cả nước (ngoại trừ một số di tích lịch sử cấp quốc gia có hướng dẫn viên, hoặc thông tin đầy đủ) thì tại đây cũng chỉ có những thông tin cơ bản trên phần mộ của liệt sĩ, còn lịch sử đấu tranh anh dũng, sự đóng góp của địa phương trong các cuộc kháng chiến của dân tộc… lại thiếu vắng. Ít bạn trẻ đến viếng các liệt sĩ mà biết được sự hy sinh anh dũng của các thanh niên xung phong trong trận ném bom của giặc Mỹ vào Ga Núi Gôi ngày 20/8/1966. Hàng chục đồng chí đã anh dũng hy sinh khi lao vào cứu đoàn tàu bị cháy, hàng trăm người bị thương nặng và di chứng chất độc kéo dài đến suốt cuộc đời. Khúc ca bi tráng ấy vẫn có nhiều người cùng thời ghi nhớ, báo chí đã phản ánh, nhưng đáng tiếc là chưa thành bài học lịch sử để giáo dục cho thế hệ trẻ ngay tại quê hương, tại nơi an nghỉ của các liệt sĩ.
Bởi vậy, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa cũng đừng quên giúp thế hệ trẻ ôn lại những bài học lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn nhất, vun đắp cho chúng ta tinh thần và động lực hướng tới tương lai.