'Nút thắt' trong giải phóng mặt bằng

Mặc dù Luật Đất đai 2003 đã quy định, giá bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi phải ngang bằng với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Nhưng thực tế, các địa phương chưa bao giờ đưa ra giá đất phù hợp với giá thị trường. Lãnh đạo Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa thừa nhận, bảng giá đất mà Nhà nước quy định chỉ bằng 30 - 60% giá thực tế trên thị trường. Bất cập này đang là “nút thắt” với hầu hết các công trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên cả nước.

 

Ngay cả ông Đinh Quang Vũ, Giám đốc Công ty Thẩm định giá (Bộ Tài chính) và GS TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng phải “bó tay” trước câu hỏi: thế nào là “sát giá thị trường”, thế nào là “trong điều kiện bình thường?”.


Vì sao các chuyên gia lại thấy khó? Ông Vũ cho biết, công ty của mình được UBND thành phố Hà Nội thuê làm tư vấn giá đền bù cho dự án đường vành đai 2. Nhưng 6 tháng nay chưa ra được bảng giá. Bởi trong khi người dân phản ứng, khiếu kiện vì cho rằng khung giá đất đền bù thấp, thì UBND TP Hà Nội lại “nhắc nhở” việc định giá không được gây áp lực lên ngân sách thành phố. Thế mới có chuyện, khung giá đất của Hà Nội nhiều nơi chỉ bằng 10 - 20% thực tế. Khung giá như thế dẫn đến bức xúc với người bị thu hồi đất.


Do bất cập trên không được xử lý nên hàng thập kỷ nay, hầu hết các công trình, dự án phát triển kinh tế xã hội mà dính dáng đến việc phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thì đều bị kéo dài, thậm chí dậm chân tại chỗ. Điều này gây ra hậu quả không nhỏ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.


Đơn cử như mới đây tại Hà Nội, gói thầu số 3, một trong nhiều gói thầu xây dựng cầu Nhật Tân đang bị nhà thầu Nhật Bản yêu cầu đòi bồi thường 200 tỉ đồng vì chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu này bị phát sinh chi phí quản lý, thiết bị, nhân công. Rồi một dự án khác tại TP Hồ Chí Minh là Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã bị chậm bàn giao mặt bằng khoảng 1 năm nay, trong khi hợp đồng kinh tế ghi rõ: Chậm bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ bị phạt 2 tỉ đồng/ngày. Chậm 1 năm nghĩa là chủ đầu tư đã mất đứt 720 tỉ đồng. Vậy là mới chỉ sơ sơ 2 gói thầu nhỏ trong hàng trăm, nghìn dự án trên cả nước, chúng ta đã bị mất ngót 1.000 tỉ đồng. Trong khi cả nước còn khá nhiều những dự án lớn, nhỏ đang bị chậm tiến độ, gây tốn kém bao nhiêu?


Rất đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có một tổng hợp, đánh giá cụ thể nào về hậu quả của việc quy định khung giá đất chưa sát thực tiễn làm hàng trăm, hàng nghìn công trình, dự án có quy mô lớn, nhỏ trên cả nước bị chậm tiến độ và nền kinh tế bị thiệt hại ra sao?


Rất lo ngại là bất cập nêu trên dường như chưa có cách giải quyết hiệu quả.


GS TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, cơ quan được giao trách nhiệm cần phải dũng cảm kiến nghị xử lý dứt điểm bất cập nêu trên. Bởi dù nó có nan giải thì cuối cùng chúng ta vẫn phải giải quyết. Nếu không, bất cập sẽ ngày càng chồng bất, càng nan giải hơn. Ông cũng cho rằng, trong khi chờ đợi chính sách mới về xác định khung giá đất, công tác tái định cư, tạo việc làm cho người bị thu hồi đất từ nay phải làm nghiêm túc. Đó là khi nhà nước thu hồi đất, việc chuẩn bị chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất dứt khoát phải tốt hơn nơi ở cũ. Nơi ở mới tốt hơn không có nghĩa là chỉ có nhà ở mà quan trọng hơn là người dân phải có việc làm, có thu nhập, môi trường sống thuận tiện hơn. Có như vậy, công tác giải phóng mặt bằng mới nhận được sự đồng thuận nhanh chóng của người bị thu hồi đất, tạo điều kiện để các công trình, dự án được triển khai nhanh, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Đ.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN