Nền tảng giúp kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết 68 là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ mở ra không gian, cơ hội mới, mà còn tạo niềm tin mạnh mẽ giúp kinh tế tư nhân bứt phá.

Chú thích ảnh
Sản xuất ô tô tại nhà máy Vinfast thuộc Tập đoàn kinh tế tư nhân Vingroup ở Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (dưới đây gọi tắt là “Nghị quyết 68”). Đây không phải lần đầu tiên Đảng ta nhắc đến vai trò của kinh tế tư nhân, nhưng Nghị quyết 68 đã đánh dấu một bước ngoặt về nhận thức, tư duy và hành động. Kinh tế tư nhân từ chỗ chính thức được coi là một thành phần kinh tế độc lập, có tiềm năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước tại Đại hội VII (1991) tới Đại hội IX (2001) đã phát triển thành thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và tới ngày 4/5/2025, khi Nghị quyết 68 được ban hành, Đảng ta lần đầu tiên chính thức khẳng định: Kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Hơn nữa, kinh tế tư nhân còn được bảo đảm “cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác của đất nước theo quy định của pháp luật”... Điều đó có nghĩa kinh tế tư nhân giờ đây đã được đặt ngang hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, cùng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Khi kinh tế tư nhân được nhìn nhận là động lực trung tâm, được bảo vệ quyền tự do kinh doanh, được hỗ trợ đổi mới và hội nhập, thì mỗi doanh nhân, mỗi người dân đều có thể tin rằng: thành công của họ là thành công của đất nước.

Cùng với việc nâng tầm vai trò, Nghị quyết 68 đã đặt ra các mục tiêu truyền cảm hứng cho khu vực kinh tế tư nhân như tới năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế từ mức hơn 940.000 doanh nghiệp hiện nay; đóng góp khoảng 55-58% GDP từ mức khoảng 50% hiện nay; khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước từ mức khoảng 30% hiện nay; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động từ mức khoàng 82% hiện nay. Đặc biệt, việc Nghị quyết 68 đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2030 và phát triển lên 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045, thể hiện rõ khát vọng đưa kinh tế tư nhân Việt Nam vươn ra biển lớn, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Chú thích ảnh

Để thực hiện được mục tiêu đầy khát vọng ấy, Nghị quyết 68 đã đi vào giải quyết gốc rễ của vấn đề, đó là cải cách thể chế như ngay trong năm 2025 cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2028, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới. Nghị quyết cũng yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; từ tư duy "xin - cho", "không quản được thì cấm" sang tư duy phục vụ... , khơi thông các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đáng chú ý, Nghị quyết 68 xác định hình sự hoá kinh tế chỉ là biện pháp sau cùng, không hình sự hoá tranh chấp dân sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và lấy đó là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp. Đây được cho là cách tiếp cận hiệu quả và văn minh, là thay đổi mang tính thiết kế lại mối quan hệ giữa nhà nước và khu vực tư nhân, nhà nước từ kiểm soát sang kiến tạo, kinh tế tư nhân từ chỗ bị mang nặng định kiến sang được tin tưởng. Đây là thứ tài sản vô hình, nhưng vô cùng quan trọng và cần thiết để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bởi doanh nghiệp cần vốn, nhưng niềm tin vẫn quan trọng hơn và Nghị quyết 68 chính là nền tảng cho niềm tin đó.

Ngoài ra, khi xác định “doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, Nghị quyết 68 không chỉ tôn vinh vai trò của doanh nhân trong khởi nghiệp phát triển kinh tế, mà còn đặt lên vai họ trách nhiệm mới là dẫn dắt và phụng sự xã hội, trở thành người đại diện cho tinh thần dân tộc trong thời đại cạnh tranh toàn cầu. Tư duy đột phá này là cam kết chính trị mạnh mẽ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân rằng phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế. Đây không chỉ là đổi mới về mặt chính sách mà còn là bước chuyển trong tư tưởng lãnh đạo. Nếu được triển khai hiệu quả với một bộ máy công quyền thực sự chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, Nghị quyết 68 chắc chắn sẽ là chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò dẫn dắt với tinh thần chủ động, tự cường và đầy khát vọng, trở thành đòn bẩy cho Việt Nam thịnh vượng.

Hà Ngọc/Báo Tin tức và Dân tộc
Nghị quyết số 68-NQ/TW: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, khởi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN