Nan giải thu phí không dừng cao tốc

Bộ Giao thông Vận tải vừa phát đi thông cáo cho biết, chậm nhất đến cuối tháng 12/2020, toàn bộ các tuyến cao tốc trên cả nước phải chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (dự án thu phí ETC).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thu phí ETC trên các tuyến cao tốc là nhằm triển khai hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát huy năng lực trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Khi áp dụng đồng bộ hệ thống thu phí ETC, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời người dân cũng được hưởng lợi khi rút ngắn thời gian hoàn vốn dự án.

Cần khẳng định rằng, việc thu phí ETC đối với các dự án BOT là một quyết định đúng đắn, không chỉ tăng thu cho ngân sách nhà nước, mà còn là cơ hội để các nhà đầu tư phát huy nội lực nhanh chóng thu hồi vốn các dự án, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Không những thế, việc làm này còn giải tỏa những lo ngại về sự thiếu minh bạch trong công tác tổ chức đấu thầu, thu phí, thời gian hoàn vốn của các dự án giao thông BOT... Bởi vậy, thu phí ETC trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách và được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tiến độ triển khai thu phí ETC vẫn chậm so với yêu cầu. 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giai đoạn 1 của dự án ETC, đã có 40 trong tổng số 44 trạm đã lắp đặt hệ thống thu phí ETC trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm trên các tuyến quốc lộ khác. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đưa vào vận hành 15 làn, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào vận hành 2 làn, ba tuyến còn lại chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn vốn và cơ chế để thực hiện.

Giai đoạn 2 của dự án gồm 33 trạm, hiện mới đàm phán được 17 trạm, số còn lại chưa có vốn đầu tư. Lý do được các chủ các dự án BOT đưa ra là trong thời gian gần đây, đặc biệt là chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, lượng phương tiện lưu thông hạn chế khiến doanh thu của họ bị giảm mạnh. Tính đến thời điểm này, trong 60 dự án BOT (do Bộ Giao thông Vận tải quản lý) đang được khai thác, thì có 49 dự án đạt doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu. 

Trước thực tế trên, câu hỏi được đặt ra là các công cụ đo đếm và báo cáo doanh thu của các doanh nghiệp BOT có thực sự chính xác, bởi trong thực tế đã có không ít vụ việc trạm BOT gian dối trong kiểm đếm phương tiện, dẫn đến báo cáo doanh thu thấp hơn nhiều so với thực tế. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu trạm thu phí cầu Đồng Nai tạm dừng hoạt động vì cho rằng dự án này đã thu hồi vốn xong. Tuy nhiên, những căn cứ để tính toán chính xác thời gian dừng thu phí của dự án vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, hiện cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện được dán thẻ thu phí không dừng (etag), tỷ lệ chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản để sử dụng cũng rất thấp, chỉ khoảng 20%.

Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động chưa lắp đặt hệ thống thu phí ETC, thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí ETC. Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí ETC. Riêng đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí ETC, cần có sự thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, địa phương nơi có trạm BOT trong việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập. Cùng đó, rất cần chế tài xử lý đối với những doanh nghiệp vin vào lý do không chính đáng, cố tình trì hoãn thu phí ETC. Bên cạnh đó cũng cần có hình thức xử phạt đủ mạnh đối với những chủ phương tiện không sử dụng dịch vụ thu phí ETC nhưng đi vào làn đường dành cho hoạt động thu phí này.

Vấn đề đặt ra, cùng với siết chặt công tác quản lý đồng thời kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực ở các dự án cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan có giải pháp bảo đảm tính liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Hy vọng, quyết tâm của ngành Giao thông Vận tải trong việc thu phí ETC sẽ biến thành hành động quyết liệt, cụ thể, không xuê xoa, đánh trống bỏ dùi. Một trong những việc cần phải làm ngay, đó là xây dựng quy chế phối hợp quản lý, vận hành công tác thu phí, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC để đảm bảo vận hành hiệu quả, đúng tiến độ và liên thông trong toàn hệ thống.

Yến Nhi
Chính thức thu phí không dừng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Chính thức thu phí không dừng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Bắt đầu từ 9 giờ ngày 11/8, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chính thức thực hiện thu phí tự động không dừng theo hình thức thu phí kín. Đây là tuyến cao tốc thứ 2 được Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thu phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN