Minh bạch môi trường kinh doanh

Đây là một trong những lĩnh vực được đề cập trong “Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2014” (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 16/4.


Báo cáo PCI phản ánh tiếng nói chung của cả doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý về mức độ hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công; đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá mức độ thay đổi về chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính của chính quyền các địa phương.


Phải thấy rằng, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng không chỉ là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà là một đòi hỏi tất yếu trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập của đất nước. Cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế, ngăn chặn tham nhũng. Tuy nhiên, nền hành chính nước ta vẫn chưa thực sự chuyển từ nền hành chính bao cấp sang nền hành chính phục vụ. Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp với Bộ Tài chính và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam diễn ra mới đây, ý kiến của nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặc dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo trong lĩnh vực thuế, hải quan, cấp phép đầu tư... vẫn là cản trở lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.


Nhìn nhận thực trạng này cũng là cách để chúng ta đưa ra được các giải pháp hữu hiệu để loại trừ tệ quan liêu, bảo thủ, trì trệ tồn tại dai dẳng trong bộ máy công quyền, nền hành chính công. Dù chưa thể đưa ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ, công chức lợi dụng công việc được giao để nhũng nhiễu, đục khoét, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp…, nhưng với việc xử lý kiên quyết các cán bộ, công chức có sai phạm trong thời gian gần đây, đã cho thấy quyết tâm của Đảng không chỉ trên giấy, mà đã thể hiện bằng hành động thực tế. Tuy nhiên, thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, thiếu minh bạch vẫn là thách thức lớn, đe dọa đến thành quả của công cuộc đổi mới đất nước.


Vấn đề mà dư luận bấy lâu day dứt là sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Kết quả khảo sát mà VCCI và USAID tiến hành, cũng chính là cơ sở để các cơ quan chức năng nhận diện chính sách hơn những yếu kém đang đeo bám, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang phải thỏa hiệp, phải “sống chung” với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một số cán bộ, công chức thoái hóa trong cơ quan công quyền. Nếu không, họ sẽ bị “hành” và khó được yên ổn làm ăn (43% doanh nghiệp cho rằng, đây là tình trạng phổ biến). Tình trạng hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Hệ quả, nền kinh tế nước ta đến thời điểm này vẫn yếu về tính cạnh tranh, sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguy hại hơn, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp và các quan chức tha hóa sẽ hình thành những “nhóm lợi ích”, có tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta.


Vì thế, để công cuộc cải cách thủ tục hành chính mang lại kết quả như mong đợi, một mặt phải nghiêm trị những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân coi hành vi đưa hối lộ, “bôi trơn” như một giải pháp để mang lại lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm”.


Yến Nhi

Kiểm tra sản xuất kinh doanh Khu Kinh tế mở Chu Lai
Kiểm tra sản xuất kinh doanh Khu Kinh tế mở Chu Lai

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra công tác sản xuất kinh doanh tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN