Trong các trụ cột để phát triển bền vững của mọi quốc gia, văn hóa luôn luôn là một thành tố quan trọng, bởi nó là nguồn lực nội sinh, là tiền đề cho mọi phát triển kinh tế - xã hội. Có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong mỗi cá nhân, văn hóa góp phần thôi thúc con người tự nhận thức và chuyển thành hành động, thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng; đồng thời tạo nền tảng để kinh tế, chính trị, xã hội… vận hành đạt hiệu quả cao nhất, ghi dấu ấn tốt đẹp về một dân tộc, một quốc gia đối với nhân loại.
Từ năm 1945 đến nay, đất nước ta đã có 2 Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức, lần lượt vào năm 1946 và 1948. Nếu Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 là để tập hợp sức mạnh quần chúng, phát huy sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh nội sinh của dân tộc, tập trung tiêu diệt giặc ngoại xâm, tích cực chuẩn bị lực lượng văn hóa phục vụ sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” và mục tiêu lâu dài là xây dựng và kiến thiết đất nước sau này; thì Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948 vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những lực lượng văn hóa thành một mặt trận nhằm động viên các hoạt động văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa có những bước vận động rất quan trọng. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Việc nhấn mạnh đến yếu tố con người thể hiện sự phù hợp với quan điểm tiến bộ về văn hóa trên thế giới hiện nay.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 tổ chức tới đây sẽ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đai hội XIII của Đảng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 với mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…, thì Hội nghị Văn hóa toàn quốc được đặc biệt đón chờ với những kỳ vọng lớn lao. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý, văn nghệ sĩ,… và toàn dân đã bày tỏ niềm mong đợi những thông điệp quan trọng, xác định sự đột phá, phát huy trọn vẹn giá trị tiềm tàng của nền văn hóa Việt Nam trong thời đại hiện nay.
Để khơi mở được những điểm đột phá trong chính sách phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời gian tới, những mấu chốt luôn là: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, bao gồm cả các giá trị vật thể và phi vật thể, cùng bài học nhân cách và ứng xử văn hóa của các danh nhân, danh sĩ, nhà văn hóa, nhà cách mạng… của dân tộc, mà trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng; xây dựng đời sống văn hóa văn minh, tiến bộ, bao phủ đồng bộ các lĩnh vực để tiếp tục tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh, tiền đề cho mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại để tiếp tục lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam ra thế giới; phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, ứng dụng “số” để đưa văn hóa tới đông đảo công chúng, đồng thời khai thác trọn vẹn giá trị kinh tế của văn hóa; phát huy giá trị văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, để phát triển bền vững đất nước cho mai sau...
Trong bối cảnh toàn thế giới đang đứng trước nhiều biến động mang tính lịch sử như hiện nay, nhất là khi toàn cầu đang xích lại gần nhau trong mối quan tâm chung, chống lại dịch bệnh COVID-19 cùng những rủi ro đe đọa cuộc sống của nhân loại, thì những giá trị vĩnh cửu của văn hóa mỗi quốc gia, trong đó có dân tộc Việt Nam ngày càng tỏ rõ sức mạnh của mình. Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự cường; tình yêu thương, độ lượng, nhân nghĩa trong đối nhân xử thế; tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động sản xuất; truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo… là những giá trị bất biến của văn hóa Việt Nam, sẽ được hòa cùng những nét đẹp của văn hóa các dân tộc khác trên toàn thế giới để tiếp tục tỏa sáng và sáng tạo nên các giá trị văn hóa của thời đại mới.
Mang theo những kỳ vọng của toản Đảng, toàn quân và toàn dân về bước phát triển mới của văn hóa dân tộc, tin tưởng rằng những quan điểm, định hướng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tới đây sẽ thực sự là luồng sáng, để “soi đường cho quốc dân đi” trong chặng đường tiếp theo của đất nước.