Khi yếu tố 'thị trường' vào cơ sở giáo dục

Cùng với nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C, mùa tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay cũng “nóng” không kém bởi có những cơ sở giáo dục áp dụng các biện pháp tuyển sinh khiến phụ huynh và thí sinh “lên nhiệt”.

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của Sở GD- ĐT Hà Nội, các trường THPT công lập tự chủ tài chính, và trường ngoài công lập có thể xét tuyển dựa trên điểm thi của thí sinh, hoặc trên kết quả học tập (học bạ) của học sinh cấp THCS. Học sinh nộp đơn đăng ký dự tuyển tại trường từ ngày 1/6/2018 đến ngày 25/6/2018. Hc sinh trúng tuyển np hồ sơ nhp hc ti trường THPT từ ngày 1/7/2018 đến ngày 15/7/2018.

 

Các bậc phụ huynh chờ con em trong buổi thi cuối cùng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông (THPT) tại Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

 

 

 

Theo kế hoạch này, các trường THPT dân lập và công lập tự chủ tài chính có một khoảng thời gian khá dài để tuyển sinh. Việc được xét tuyển dựa trên học bạ cũng là một thuận lợi cho các trường. Thêm vào đó, số lượng thí sinh năm nay tăng hơn 22.000, đồng nghĩa với thêm rất nhiều thí sinh không đỗ vào các trường công lập, cần tìm đến các trường ngoài công lập hoặc công lập tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, trong lúc các trường công lập tiến hành tuyển sinh một cách khá ổn định, thì tại các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính, xuất hiện nhiều thông tin khiến các bậc phụ huynh và những người quan tâm tới giáo dục phiền lòng. Một vài trường tự đưa ra quy định “đóng phí ghi danh” – nghĩa là trước khi có kết quả thi tuyển sinh, thí sinh có thể nộp lệ phí để đăng ký sẽ học chứ chưa nộp hồ sơ vào trường. Trong lúc chưa biết điểm thi cao hay thấp ra sao, không ít bậc cha mẹ cắn răng đóng phí, để nếu lỡ không đủ điểm vào được các trường công lập thì có nơi cho con em theo học. Nếu đủ điểm vào trường công lập, đương nhiên khoản phí ghi danh lên đến vài triệu đồng mỗi hồ sơ vào những trường ngoài công lập này sẽ không được nhận lại. Một trường khác còn ngặt hơn, không cho rút bộ hồ sơ gốc đã nộp vào trường. Thậm chí có trường yêu cầu phụ huynh cam kết để con học tại trường đủ 3 năm. Và ngay ngày đầu nộp hồ sơ sau khi có điểm thi, có trường trong vài tiếng đồng hồ mà 1-2 lần điều chỉnh điểm trúng tuyển như chỉ số chứng khoán, khiến cha mẹ và thí sinh đã khổ sở vì đội nắng nóng chầu chực sân trường, lại thêm hốt hoảng vì điểm tuyển sinh tăng phi mã. Rồi cũng có những trường ngoài công lập khá danh tiếng mà cha mẹ học sinh phải chực chờ từ đêm tới mờ sáng, xuyên trưa. Có trường thì ngay trong 1-2 ngày nhận hồ sơ, đã không còn chỗ trống, khiến phụ huynh “sốt sình sịch” mỗi khi trường thông báo: còn 10 chỉ tiêu, còn 1 chỉ tiêu…

Trên thực tế, nếu xét về phương thức tuyển sinh thì các trường đều đã thực hiện quy định của UBND Thành phố Hà Nội về Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2018, trong đó nêu chỉ xét tuyển theo học bạ hoặc theo điểm thi, không áp dụng phương thức khác để tuyển sinh. Thêm vào đó, tại các trường, ngay từ đầu mùa tuyển sinh đã thông báo về quy định “đã nộp vào thì không rút ra”, hoặc trước khi điều chỉnh điểm trúng tuyển đều có thông báo. Việc điều chỉnh điềm tuyển sinh cũng nằm trong thẩm quyền của trường. Điều này có thể hiểu là một “luật chơi” được riêng từng trường đặt ra, thí sinh nào chấp nhận được thì tham gia. Các quy định riêng này nhằm giúp các trường ngoài công  lập và công lập tự chủ tài chính đảm bảo ổn định trong khâu tuyển sinh, tránh tình trạng bị động khi thí sinh rút hồ sơ đồng loạt.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nhu cầu vào các trường THPT của Hà Nội năm nay đang quá dư thừa, thì việc đưa ra những quy định như trên không có tác dụng với việc tuyển đủ chỉ tiêu của các trường nữa. Các quy định kiểu “nắm đằng chuôi” như trên khiến nhiều phụ huynh trầy trật mới rút được hồ sơ khi con đủ điểm học các trường công lập, hoặc phải bỏ lại khoản tiền đã đóng như “đặt cọc” ban đầu. Là đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục, nhưng các cơ sở đào tạo này đã khiến các “thượng đế” phải chật vật. Thêm vào đó, giáo dục là một ngành đặc thù, dù các trường ngoài công lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng bản chất các nhà trường không thể là doanh nghiệp với tiêu chí “tận thu”. Hơn nữa, không một doanh nghiệp nào có thể “kinh doanh” và phát triển bền vững và lâu dài trên cơ sở chộp giật, bắt chẹt “khách hàng”. Do đó, dù tuân thủ quy luật thị trường, nhưng các trường vẫn cần tôn trọng người học, không thể “giữ chân” người học bởi nắm chặt bộ hồ sơ của họ, hay vài triệu đồng tiền đóng “giữ chỗ”. Thậm chí, việc các trường ra thông báo trước như thỏa thuận với thí sinh về việc thu hồ sơ, cũng được ví như việc “bắt thóp”, lợi dụng sự lo lắng của thí sinh và phụ huynh.

Nếu thật sự muốn trở thành một địa chỉ giáo dục tin cậy, hãy thật sự tuân thủ quy luật của thị trường: nâng cao chất lượng đào tạo hơn nữa, đầu tư hơn nữa cho dạy và học, tạo thuận lợi hơn nữa cho “khách hàng”. Như vậy, uy tín của nhà trường mới thật sự được củng cố, và nguồn tuyển mới dồi dào cho không chỉ trong một mùa tuyển sinh.

 

 

Thùy Hương/Báo Tin Tức
Hà Nội công bố hạ điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 năm 2018
Hà Nội công bố hạ điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 năm 2018

Chiều nay (4/7), Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã công bố mức điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 THPT công lập năm học 2018 - 2019. Đáng chú ý, nhiều trường top đầu như THPT Thăng Long, THPT Yên Hòa hay THPT Nhân Chính cũng hạ điểm trúng tuyển vào lớp 10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN