Để xây dựng một thương hiệu mạnh như Khaisilk được như ngày hôm nay không thể có trong một sớm, một chiều. Chính doanh nhân Hoàng Khải đã phải hao tổn nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng một thương hiệu có tiếng; nhưng hành vi gian lận nhãn mác trong kinh doanh sản phẩm lụa tơ tằm kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” ít, nhiều đã ảnh hưởng lớn tới uy tín của chính Tập đoàn Khaisilk.
Điều đáng bàn ở đây là văn hóa kinh doanh của Tập đoàn Khaisilk nhập sản phẩm của Trung Quốc nhưng lại mang danh hàng Việt, ảnh hưởng đến thương hiệu hồn Việt mà nhiều năm qua chúng ta đang phát động phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhìn ở góc độ kinh doanh của Khaisilk đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ngành lụa tơ tằm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, mà người chịu thiệt trước tiên chính Khaisilk chứ không ai khác khi người tiêu dùng quay lưng lại với hàng của Khaisilk.
Chúng ta chưa bàn tới lụa tơ tằm Trung Quốc chất lượng thế nào, giá cả cao hay thấp so với hàng Việt Nam. Nhưng việc gán ghép nhãn mác xuất xứ của hai quốc gia cho một sản phẩm là vi phạm pháp luật. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, chính sự làm ăn gian dối của doanh nghiệp Khaisilk sẽ bị cơ quan điều tra vào cuộc. Và khi đã xác định Khaisilk vi phạm nhãn mác gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp này sẽ bị cơ quan pháp luật trừng phạt.
Hành vi của Khaisilk đã “lợi dụng” và “ăn cắp” lòng tin của hàng triệu khách hàng trong suốt thời gian qua chỉ được phát hiện qua mấy chiếc khăn mang trên mình hai nhãn mác xuất xứ. Vậy dư luận có quyền đặt câu hỏi trong nhiều năm qua, hệ thống cửa hàng của Tập đoàn Khaisilk trên toàn quốc đã bán bao nhiêu sản phẩm kiểu này dưới danh nghĩa hàng Việt?
Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp cùng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc để kiểm tra, xem xét sớm làm rõ hành vi vi phạm của Khaisilk liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng. Và nếu hành vi này của Khaisilk đã tồn tại nhiều năm, nhập nhèm nhãn mác, móc túi người tiêu dùng thì pháp luật cần nghiêm trị.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Thủ tướng Chính phủ phát động yêu cầu sự minh bạch và truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Để hàng Việt đứng vững trong lòng người tiêu dùng rất cần có cái tâm trong sáng của doanh nghiệp.