Đáng chú ý, những biệt phủ mới phát hiện, đều được xây dựng kiên cố, có nhà rường, có cả đường bê tông dẫn vào khuôn viên; được bài trí như điểm kinh doanh du lịch bề thế, với nhiều cây cảnh phong thủy, bàn ghế làm từ gốc cây…
Đã có biện pháp xử lý được chính quyền thành phố Đà Nẵng đưa ra, đó là buộc chủ nhân của những biệt phủ phải tự tháo dỡ công trình; kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan… Tuy nhiên, có câu hỏi đang được nhiều người quan tâm: Những công trình trái phép nêu trên đều được xây dựng với quy mô, diện tích lớn, nói theo cách dân dã là “hoành tráng”, tại sao các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để ngay? Đến khi dư luận ồn ào, thì việc xử lý lại quá nhẹ so với hậu quả gây ra. Xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng nam Hải Vân không phải đến giờ mới bị phanh phui, mà tình trạng này bắt đầu từ năm 1997.
Chính quyền quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc và các ngành chức năng của thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra và có gần chục văn bản từ nhiều cấp (từ cấp thành phố đến cấp phường) yêu cầu buộc tháo dỡ công trình trái phép, nhưng cuối cùng vẫn không có sự nhất quán trong xử lý vụ việc và công trình vẫn ung dung tồn tại. Cần khẳng định rằng, nếu lãnh đạo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý theo pháp luật, thì chắc chắn không xảy ra chuyện xây dựng trái phép những khu biệt phủ này trong một thời gian dài. Bởi khi chính quyền đã kiên quyết ra tay, làm đúng pháp luật thì chẳng ai có gan vi phạm.
Cách đây chưa lâu, Hà Nội cũng rộ lên việc ca sĩ Mỹ Linh và họa sĩ Thành Chương xây nhà và biệt phủ tại rừng đặc dụng Sóc Sơn. Tuy nhiên, theo một số cơ quan chức năng của Hà Nội, thì vi phạm này là “tồn tại lịch sử”?. Mà nguyên nhân là do công tác quy hoạch đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn nhiều bất cập; công tác quản lý đất rừng chưa thật chặt chẽ; một số cán bộ có chức quyền đã tiếp tay cho sai phạm… Dẫu đã kết luận như vậy, nhưng tới thời điểm này, việc vi phạm rừng đặc dụng Sóc Sơn vẫn còn nhiều uẩn khúc, cần được làm sáng tỏ.
Rõ ràng, những vụ xây dựng biệt phủ trái phép trên đất rừng đặc dụng đã để lại điều tiếng xấu đối với trách nhiệm quản lý đất đai của chính quyền địa phương. Từ vụ việc xảy ra tại rừng cấm Hải Vân và Sóc Sơn, dư luận đặt câu hỏi: Vai trò của kiểm lâm, chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng… ở đâu khi sự việc xảy ra nghiêm trọng như vậy mà không hề hay biết. Đến khi sự việc vỡ lở thì các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương mới “giật mình” tìm cách lấp liếm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau?
Rõ ràng, đằng sau vụ xây hàng loạt biệt phủ trái phép này đã bộc lộ nhiều vấn đề thiếu minh bạch và cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Dư luận đòi hỏi, những vụ vi phạm rừng đặc dụng cần được xử lý tới nơi tới chốn, tránh “đầu voi đuôi chuột”; đồng thời cần tiến hành rà soát lại toàn bộ rừng đặc dụng trên phạm vi cả nước. Bởi tình trạng lấn chiếm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xây dựng các công trình trái phép không chỉ xảy ra ở Hải Vân hay Sóc Sơn.