Đã có không ít bà mẹ ngất xỉu trong đêm Noel giá buốt. Đâu đó, đã xuất hiện cò mồi, khiến tình hình tiêm chủng cho trẻ vốn tồi tệ, càng trở nên tồi tệ hơn.
Nguyên nhân tại đâu? “Cung” nhiều mà “cầu” không thể đáp ứng, rõ ràng không phải là lỗi vi mô. Không chỉ những người làm cha làm mẹ lo âu, thất vọng, mà cả xã hội như không thể ngồi yên lo cho tương lai con trẻ trước nguy cơ vắcxin thì thiếu, mà dịch bệnh lại đang lăm le toàn cầu. Dù ngành y tế có biện hộ thế nào, thì tình trạng thiếu trầm trọng Pentaxim là không thể chối cãi. Rõ ràng, dù có úp mở, giấu giếm, khâu “vĩ mô” về vắcxin "5 trong 1" đang có vấn đề. Trước những bức xúc của dư luận, các phát ngôn gần đây của Bộ Y tế đều nghiêng về chiều hướng, việc thiếu vắcxin Pentaxim "5 trong 1" chỉ là cục bộ. Bộ Y tế sẽ có biện pháp bảo đảm nguồn vắcxin tiêm chủng cho trẻ. Nhưng thực tế, việc “bảo đảm” của Bộ Y tế chỉ khuôn trong chương trình tiêm chủng mở rộng, còn vắcxin dịch vụ vẫn trong vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Cũng có ý kiến đổ lỗi cho người dân khi họ đổ xô đưa con đi tiêm vào cùng một thời điểm? Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức bị phản ứng của dư luận. Lỗi chính là do ngành y tế chưa tính toán kỹ trong việc dự trù vắcxin và dự báo chưa sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, sau hàng loạt vụ tai biến sau tiêm chủng xảy ra trong thời gian gần đây, phụ huynh có con trong độ tuổi không đặt trọn niềm tin vào vắcxin Quinvaxem nữa. Không thể kiên nhẫn để chờ đợi thêm, dù điều kiện kinh tế chưa thật dư dả, nhiều gia đình cũng chắt bóp, dành dụm mua vắcxin “xách tay” hoặc đưa con ra nước ngoài tiêm chủng.
Trước nhiều câu hỏi của báo giới về tình hình cung ứng vắcxin dịch vụ Pentaxim "5 trong 1", Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường trấn an, hiện thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắcxin ho gà vô bào là Nhật Bản, hãng GSK và Sanofi Pasteur. Tuy nhiên, phía Nhật Bản chỉ sản xuất vắcxin đủ dùng trong nước. Còn các hãng GSK và Sanofi Pasteur, họ ưu tiên cung cấp vắcxin ho gà vô bào cho các quốc gia dùng loại vắcxin này trong tiêm chủng mở rộng. Còn ở Việt Nam, loại vắcxin này được sử dụng làm dịch vụ số lượng không nhiều, hơn nữa nếu thiếu đã có Quinvaxem, nên hãng cung cấp hàng không ưu tiên.
Ở góc độ khác, ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu lại cho rằng, lỗi một phần là do nhiều phụ huynh có tâm lý chờ đợi, quá lệ thuộc vắcxin dịch vụ mà không cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khẳng định, tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ thời gian qua chủ yếu ở 2 loại vắcxin "5 trong 1" Pentaxim và "6 trong 1" Infranxi Hexa, còn trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn bảo đảm cung cấp đủ vắcxin "5 trong 1" có thành phần tương đương "5 trong 1" - vắcxin Quinvaxem. Thừa nhận, lý giải của ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng là hoàn toàn có lý. Nhưng câu chuyện là ở chỗ: Nếu coi vắcxin là sản phẩm hàng hóa (loại hàng hóa đặc biệt), thì việc “người tiêu dùng” chọn Pentaxim "5 trong 1" là quyền của họ. Bởi vậy, những bà mẹ quên cả thân mình, đội rét, thức trắng đêm chờ chực để tiêm chủng cho con, chắc chắn họ không có lỗi.
Đã có giải pháp được ngành chủ quản đưa ra, như yêu cầu công khai minh bạch, công bố danh sách các điểm tiêm chủng vắcxin toàn quốc, đăng ký tiêm chủng qua mạng Internet... Tuy nhiên, kết quả thế nào, có lẽ dư luận nên đành kiên nhẫn chờ “hồi sau”.