Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp – Cần cách quản lý phù hợp

Cùng với đà phát triển của xã hội hiện đại, chiếc điện thoại thông minh (điện thoại di động) xuất hiện ngày càng phổ biến, ở khắp mọi nơi, kể cả trong môi trường trường học. Tuy nhiên, vấn đề học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học đang tạo ra các luồng dư luận đồng tình lẫn trái chiều.

Cách đây khoảng 2 thập kỷ, chiếc điện thoại di động dường như là điều xa xỉ và dường như chỉ phục vụ cho công việc, mà cũng chỉ có những người có thu nhập cao mới sử dụng loại dịch vụ đắt đỏ này. Nhưng nay, sử dụng điện thoại di động hay điện thoại thông minh đã trở thành nhu cầu đương nhiên, dễ tiếp cận với hầu hết mọi người, từ công chức, doanh nhân cho tới học sinh.     

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, có nhiều nội dung mới phù hợp với xu thế phát triển. Việc cho phép các em sử dụng điện thoại di động để tra cứu, và cả giải trí nữa, là điều hợp lý trong xã hội ngày nay. Từ ngày 1/11 tới đây, khi thông tư có hiệu lực, nếu các tiết học có nhu cầu sử dụng điện thoại nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên bộ môn chuẩn bị bài giảng, nhắc nhở trước cho học sinh và chỉ giới hạn được sử dụng với sự giám sát của giáo viên.    

Tại mục 4, Điều 37 về "các hành vi học sinh không được làm" có nội dung “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ mục đích học tập, học sinh được phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Đây là một bước thay đổi lớn so với trước đây.    

Về cơ bản, việc trang bị điện thoại di động và cho học sinh sử dụng tại trường là điều hợp lý. Với sự phát triển của công nghệ, chiếc điện thoại thông minh chính là cánh cửa giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức bổ sung cho kiến thức mà các em học từ thầy cô hay sách giáo khoa. Chiếc điện thoại cũng giúp cha mẹ yên tâm hơn khi các con đi học, đồng thời là phương tiện giữ liên lạc giữa gia đình và nhà trường.  

Dẫu vậy, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Phần đông ý kiến đều cho rằng, nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, phục vụ học tập, nhà trường cần có quy chế rõ ràng để kiểm soát và định hướng học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, giúp nâng cao hiệu quả học tập. Nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy học sinh lạm dụng sử dụng điện thoại mà sao nhãng việc học.      

Không chỉ ở nước ta, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đối mặt với vấn đề nan giải tương tự. Tại Pháp, một cuộc thăm dò của France24 cho kết quả 74% số học sinh được hỏi nói rằng các em muốn sử dụng điện thoại di động trong lớp học vì điều này có ích cho việc học tập. Tuy nhiên, vào tháng 7/2018, Chính phủ Pháp đã thông qua một điều luật (số phiếu ủng hộ áp đảo 62-1) nghiêm cấm việc sử dụng điện thoại di động trong trường học. Luật này có hiệu lực từ năm học 2018-2019 đối với các cấp học từ lớp 1 tới lớp 9.    

Tại Mỹ, rất nhiều tiểu bang áp dụng qui định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ lên lớp, với lý do điều này khiến các em sao nhãng việc nghe thầy cô giảng bài. Một số bang thì qui định rõ ràng học sinh được phép mang điện thoại tới trường, song tuyệt đối không được sử dụng trong giờ có thầy cô giảng bài.    

Điều tra năm 2019 của Trường Kinh tế London (Vương quốc Anh) chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại di động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của các em. Theo kết quả điều tra, học sinh những trường cấm sử dụng điện thoại di động thường có bảng điểm cao hơn so với hầu hết những trường cho phép sử dụng. Thậm chí, nghiên cứu cùng năm của Đại học Chicago còn cho thấy học sinh vẫn bị sao nhãng và giảm khả năng tiếp thu bài ngay cả khi đã tắt điện thoại ở trong lớp.

Theo trang mạng onlinelearningconsortium.org, có tới 95% học sinh sẽ mang điện thoại tới trường hàng này nếu được cho phép, trong đó 92% các em sẽ nhắn tin trong giờ học và 10% thừa nhận là từng có lần sử dụng điện thoại trong giờ thi. Cũng theo nguồn tin này, có tới 94% số cha mẹ học sinh nói rằng họ yên tâm hơn khi các con sử dụng điện thoại ở trường.    

Với các cấp học phổ thông, việc học nhìn chung vẫn là giáo dục đi đôi với kỷ luật, và ý thức tự giác học tập và nghiên cứu của hầu hết học sinh là không cao. Điều này lý giải tâm lý học sinh phổ thông thường vui mừng mỗi khi được nghỉ học đột xuất. Vấn đề đặt ra là liệu học sinh có nghiêm túc thực hiện qui định và chỉ dùng điện thoại trong lớp nếu được thầy cô giáo cho phép hay không? Thật khó để khẳng định điều này với các em học sinh mười mấy tuổi đời.    

Do đó, một mặt cho phép các em sử dụng điện thoại di động, một mặt nhà trường cũng cần có cách quản lý hiệu quả hoạt động này, như yêu các em tắt chuông hoặc tắt máy điện thoại khi vào lớp, chỉ được dùng điện thoại trong những tiết học cần sự tra cứu hoặc khi được thầy cô cho phép. Bên cạnh đó, việc giáo dục tư tưởng cho các em cũng có ý nghĩa quan trọng, qua đó giúp học sinh nhận thức rõ mặt tích cực, cũng như mặt tiêu cực, của việc sử dụng điện thoại trong lớp học.      

Môi trường giáo dục nước ta đang ngày càng đổi mới, phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới. Hiện nay, môi trường giáo dục không còn “khô cứng” với những bài giảng kiểu thầy cô đọc, học trò chép như xưa. Thay vào đó, công nghệ thông tin đang được áp dụng triệt để nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của thầy cô và học tập của học sinh. Câu chuyện với chiếc điện thoại thông minh cũng vậy, nếu có cách quản lý tốt, đây sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu giúp học sinh mở ra cách cửa tri thức bao la của thế giới…

Trần Thanh Tuấn
Chăm lo cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Chăm lo cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Nhân dịp Tết Trung thu năm 2020, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, trao quà tặng trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN