Từ trước tới nay, tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú số 2 có quy định khi làm thủ tục nhập học, phụ huynh phải ký cam kết không cho học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường. Ngoài ra, nhằm thuận tiện cho học sinh trong quá trình trao đổi thông tin với người nhà, nhà trường có phòng để học sinh được nghe và gọi điện thoại (bằng điện thoại bàn). Nhà trường có phòng xem ti vi tập thể để học sinh cập nhật các tin tức về thời sự, cuộc sống và xã hội.
Thầy giáo Mai Văn Đạt, Bí thư Đoàn trường Phổ thông Dân tộc Nội trú số 2 chia sẻ, đặc thù học sinh của trường là sống xa gia đình nên có nhu cầu được chia sẻ rất lớn. Tuy nhiên, nếu để các em sử dụng điện thoại thoải mái sẽ rất khó quản lý, nhất là khi các em không có bố mẹ bên cạnh. Hơn nữa, do phải sống tập thể nên nhà trường phải có những quy định rõ ràng để rèn tính kỷ luật, ý thức và khi đã quen, các em sẽ không còn phụ thuộc vào điện thoại.
Không phải trường học nào cũng giám sát và có quy định riêng về việc sử dụng điện thoại di động như trường Phổ thông Dân tộc Nội trú số 2. Trên thực tế, việc sử dụng điện thoại của học sinh không còn xa lạ và cũng đem lại những tiện ích nhất định trong việc liên lạc giữa phụ huynh và học sinh. Tại nhiều trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tỷ lệ học sinh có điện thoại lên đến 80%. Tỷ lệ này ở các bậc học khác cũng không nhỏ.
Với Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành, quy định này phần nào được “nới lỏng” khi Bộ cho phép học sinh được sử dụng phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý của giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên lo lắng điều đó sẽ dẫn tới tình trạng khó quản lý học sinh và tạo điều kiện để học sinh được thoải mái sử dụng điện thoại một cách “hợp pháp”. Thay vì “cấm” hay “cho phép” thì quá trình thực hiện cần phải có giải pháp giám sát để các em sử dụng điện thoại hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Soa, giáo viên Trường Trung học phổ thông Cửa Lò 2, thị xã Cửa Lò cho biết: Việc sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ là một khó khăn cho giáo viên trong quá trình tổ chức dạy và học. “Do đặc thù của môn Tiếng Anh nên trong một số tiết luyện đề, tôi vẫn cho các em sử dụng điện thoại để tra cứu một số từ khó thông qua google dịch. Tuy nhiên, khi các em sử dụng điện thoại, tôi phải giám sát thường xuyên về các phần mềm truy cập. Cũng có một vài trường hợp, nếu giáo viên lơ là các em sẽ sử dụng điện thoại để làm việc riêng.
Tại Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, theo thầy giáo Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng nhà trường, lâu nay nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhưng từ ngày 1/11 khi thông tư có hiệu lực, nếu các tiết học có nhu cầu sử dụng điện thoại nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên bộ môn chuẩn bị bài giảng, nhắc nhở trước cho học sinh và chỉ giới hạn được sử dụng với sự giám sát của giáo viên.
Thầy giáo Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng cho rằng, từ khi học trực tuyến, các em đã sử dụng điện thoại. Bản thân nhà trường không cấm học sinh sử dụng điện thoại đến trường và ngay trong các lớp học, hiện nhiều lớp đã có wifi để sử dụng ti vi và màn hình chiếu. Nhiều giờ học, giáo viên vẫn sử dụng mạng để học sinh làm các bài tập trực tuyến. Theo thấy Cao Thanh Bảo, việc cấm tuyệt đối là không cần thiết vì học sinh Trung học phổ thông đã có ý thức, biết sử dụng điện thoại sao cho hợp lý và hiệu quả nếu có sự hướng dẫn của giáo viên.