Trong những ngày vừa qua dư luận đặc biệt quan tâm tới chủ trương của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về hạn chế phương tiện cá nhân gồm xe ô tô cá nhân và xe máy nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đã có nhiều phản hồi tích cực từ các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và người dân. Ý kiến đôi khi còn trái ngược nhau nhưng đều có một mục đích chung là đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm giải bài toán giao thông gần như đã thành “vấn nạn” trong nhiều năm qua.
Việc đi lại của người dân tại các đô thị nước ta hiện nay hầu như tập trung vào 3 loại phương tiện chủ yếu là xe máy, xe ô tô và xe buýt; số lượng người đi xe đạp và đi bộ không đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây tắc đường, kẹt xe và tai nạn giao thông chủ yếu do xe máy; xe ô tô cá nhân góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này. Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông thì cần phải hạn chế xe máy và xe ô tô cá nhân; đồng thời tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng; mà trong điều kiện hiện nay thì chỉ có xe buýt.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, vào giờ cao điểm, lưu lượng khách tăng 1,5-2 lần nên khách đi xe buýt phải chờ đợi lâu, xe 80 chỗ phải “gánh” đến 200 khách, có xe về bến chậm 30-40 phút. Xe buýt mới khai thác được 80% công suất song không thể tăng số lượng xe được nữa vì không còn đường do ùn tắc. Thực tế đi xe buýt còn rất nhiều bất lợi; chẳng hạn như người đi không chủ động được thời gian, ra bến xe buýt phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị chiếm dụng gây nguy hiểm cho người đi bộ, xe bỏ bến, chen chúc, nhân viên chưa tôn trọng hành khách, nạn trộm cắp trên xe… đã khiến nhiều người không chọn xe buýt.
Để ưu tiên cho xe buýt, đã có nhiều ý kiến mang tính giải pháp như: Tách làn phương tiện, tăng cường sử dụng làn dành riêng cho xe buýt, phát triển xe buýt nhanh, xe buýt chuyên trách; rằng, để tạo điều kiện cho xe buýt phát triển, cần hạn chế phương tiện cá nhân, trước hết là ôtô…Cũng có ý kiến cho rằng nên cấm phương tiện cá nhân lưu thông trong giờ cao điểm tại một số tuyến thường xuyên ùn tắc để tạo điều kiện cho xe buýt hoạt động. Tuy nhiên, với hệ thống đường sá hiện nay, biện pháp cấm các phương tiện giao thông trên tuyến đường này sẽ gây ra ùn tắc trên tuyến đường khác; không khác gì việc “di dời” ùn tắc từ khu vực này sang khu vực khác.
Do vậy để không bị ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm thì chỉ còn cách là “hoá giải” giờ cao điểm; có nghĩa là qui định thời gian bắt đầu làm việc của các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp khác nhau. Chẳng hạn, như một số đề xuất, các cơ quan trung ương có thể làm việc từ 8 giờ 30 hoặc 9 giờ sáng đến 6giờ chiều, các ngân hàng, trung tâm thương mại mở cửa sau 9giờ sáng…Nếu thực hiện biện pháp bố trí làm việc lệch giờ tính từ 7 giờ đến 9 giờ thì giờ cao điểm sẽ được kéo dãn ra. Những giờ tan tầm, tan ca được cho là cao điểm sẽ kéo dài từ 7-9 giờ và từ 15 – 18 giờ thì sẽ không còn là giờ cao điểm. Vì thực tế, hiện nay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giờ cao điểm cũng chỉ kéo dài từ 60 – 90 phút, nếu thời tiết bình thường.
Việc bố trí lệch giờ làm việc tất nhiên sẽ gây ra một số khó khăn trong nền nếp sinh hoạt của một bộ phận người dân; đặc biệt là những gia đình phải đưa đón con đi học. Tuy nhiên, trong khi hệ thống đường sá chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông, chưa có các phương tiện giao thông công cộng đa dạng thì việc bố trí lệch giờ làm việc là một giải pháp khả thi trong ngắn hạn, sẽ làm “hạ nhiệt” tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
Nguyễn Quang Vinh