Kể từ khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực (1/7/2014), những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, đặc biệt là vấn đề người dân sẽ phải làm gì khi cần phải giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo… đã được dư luận hết sức quan tâm.
Triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân, nhiều địa phương trên cả nước, các ngành, các cấp đã tích cực vào cuộc; gắn công tác tiếp dân với việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm phiền hà cho dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Qua công tác tiếp dân, các ngành các cấp, chính quyền địa phương không chỉ nắm được tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn trăn trở của người dân, mà qua đó còn thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề mà người dân đòi hỏi, quan tâm.
Có thể thấy, công tác tiếp dân đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của dân. Việc tiếp dân không ngoài mục đích lắng nghe, phản ánh, ý kiến, nguyện vọng cũng như góp ý của công dân, vừa góp phần làm giảm các vụ khiếu kiện kéo dài, vừa tăng cường mối quan hệ giữa người dân và chính quyền. Hoạt động tiếp dân còn giúp người dân biết và giám sát việc cần được các cơ quan có trách nhiệm, chính quyền giải quyết. Cũng qua công tác tiếp dân, người dân có thể đánh giá được năng lực cũng như thái độ, trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân…
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, công tác tiếp dân chưa được các cấp các ngành, địa phương làm hết trách nhiệm, chưa công khai, minh bạch, còn đùn đẩy, né tránh. Một số địa phương chưa thực hiện tiếp công dân theo quy định; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm. Theo Thanh tra Chính phủ, thông qua công tác tiếp công dân, có gần 30% vụ việc chưa được các cấp, các ngành giải quyết. Ở một số nơi, cán bộ tiếp dân chỉ làm nhiệm vụ như văn thư cao cấp, bởi một phần chế tài không đầy đủ, cán bộ tiếp dân không được bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Hình ảnh cán bộ, công chức có thái độ hách dịch, nạt nộ, nhũng nhiễu, mất lịch sự khi tiếp xúc với dân vẫn tồn tại, nhất là ở cấp phường, xã. Cũng đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ liên lụy, né tránh. Chẳng hạn, việc thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp xã phường, nhưng lại đùn đẩy lên cấp quận, huyện; cấp quận huyện lại đùn đẩy lên cấp tỉnh, thành phố… Kết quả là vụ việc kéo dài, người dân phải vất vả, tốn kém thời gian, tiền bạc một cách không đáng có; làm giảm lòng tin của người dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, người dân “vác” đơn khiếu kiện đi khắp nơi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương.
Vẫn biết, công tác tiếp dân không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Đâu đó, đã xảy ra tình trạng, một vài cá nhân đã lợi dụng các buổi tiếp dân để kích động, quấy rối, hoặc có công dân đưa ra những đòi hỏi phi lý v.v… đẩy cán bộ tiếp dân vào thế bị động, lúng túng; qua đó đã tạo điều kiện cho các phần tử xấu nói xấu chính quyền, xuyên tạc, tung tin thất thiệt, gây mất lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền.
Để công tác tiếp dân đạt hiệu quả như mong đợi, vấn đề đặt ra đối với những người thực thi nhiệm vụ cũng như các cấp chính quyền, là phải tận tụy, lắng nghe, sâu sát, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết công việc; đề xuất giải quyết những bất cập, vì lợi ích chung, không vì lợi ích cục bộ, thiểu số. Tránh tình trạng tiếp dân mang tính hình thức, thủ tục rườm rà, sai hẹn, dễ làm khó bỏ.
Yến Nhi