Quả thực, hàng loạt những vụ án lớn trong những năm qua liên quan tới các cán bộ ở cả Trung ương và địa phương, thậm chí có những cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cho thấy tình trạng suy thoái đạo đức tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Khi đánh giá về sai phạm của một bộ phận đội ngũ cán bộ, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của một số cán bộ đảng viên chưa thường xuyên, nền nếp, vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa… Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi”.
Thực tế, tình trạng suy thoái dẫn tới những vi phạm nguyên tắc, điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trước hết là do chính những cán bộ, đảng viên đó phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối làm xói mòn bản chất tốt đẹp của người đảng viên.
Chính vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách, quan hệ trực tiếp đến chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu”, đồng thời Người cũng nhiều lần nhắc nhở: “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình” và phải chủ động đấu tranh loại bỏ hàng trăm thứ bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra.
Quát triệt tinh thần đó, đối với cán bộ, đảng viên điều trước tiên là phải biết tự mình tu dưỡng, rèn luyện; phát huy vai trò nêu gương trong mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống; nói với làm gắn liền, xây đi đôi với chống, xây dựng và bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp gắn liền với chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Thực tế cho thấy, có những người đã phấn đấu gần hết cuộc đời, có nhiều công lao nhưng cuối đời lại không giữ được mình và gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Trên tinh thần tự đánh giá đúng bản thân, biết rõ ưu, khuyết điểm, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xác định nội dung, biện pháp và ý chí quyết tâm tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực cần thiết và phương pháp, tác phong công tác. Đây phải là quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục, có ý chí quyết tâm cao, biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tự tu dưỡng, loại bỏ những hành vi, thói quen xấu, không phù hợp với nhân cách của người cán bộ, đảng viên.
Mặt khác, tự tu dưỡng và rèn luyện thông qua các hoạt động thực tiễn cũng là phương tiện hữu hiệu giúp cán bộ, đảng viên vừa thể hiện được những tri thức, kinh nghiệm vốn có của mình trong công tác, vừa không ngừng tích luỹ những biện pháp, cách thức, phương pháp tự tu dưỡng, rèn luyện. để từ đó tự đánh giá đúng khả năng, năng lực của mình; đồng thời, tự nhận thức rõ ưu, nhược điểm, để điều chỉnh bản thân cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu rèn luyện.
Cùng với đó, để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cần thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng. Tổ chức đảng các cấp cần coi trọng xây dựng và thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc kế hoạch để các tổ chức quần chúng đóng góp cho cán bộ, đảng viên, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Dù sao đi nữa, bên cạnh việc phát huy vai trò của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng thì việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chỉ có kết quả tốt khi chính họ có nhu cầu tu dưỡng, rèn luyện. Vấn đề quan trọng là phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên có động cơ tự học tập, rèn luyện, biết khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu vươn lên.
Có thể khẳng định, thực hiện hiệu quả việc tự tu dưỡng, rèn luyện là cơ sở để xây dựng và phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và cũng là yếu tố gốc rễ để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.