Đừng ngẫu hứng… chính sách

Từ thời phong kiến xa xưa đã có một nguyên tắc là “quân bất hí ngôn”. Người xưa giữ nguyên tắc này không phải vì vua không biết nói đùa mà là vì một lời nói của những người có chức vị càng cao thì sức ảnh hưởng càng lớn. Một lời nói ra nếu không được suy nghĩ chín chắn có thể trở thành hệ lụy cho bao người… Vậy nên, người làm vua, làm quan vì thế không được ngẫu hứng, tùy tiện mà phải suy nghĩ cẩn thận trước khi nói ra, ấy cũng là đạo lý.

Nhắc lại đạo lí này để thấy gần đây có khá nhiều những chính sách mang tính “ngẫu hứng cao” mà có lẽ những “tư lệnh” khi đề xuất những giải pháp ấy đã không suy nghĩ một cách cẩn thận. Đành rằng áp lực công việc luôn đè nặng trên vai những người có trách nhiệm, buộc lòng họ phải luôn suy nghĩ về những giải pháp, nhưng những giải pháp kiểu như xe biển số chẵn được ra đường ngày chẵn, biển số lẻ thì ngày lẻ mới được ra đường, vòng ngực bé quá thì không đủ sức khỏe để thi bằng lái xe, GPLX bằng giấy phải đổi sang thẻ nhựa dù chưa hết hạn, hoặc mất GPLX phải đi thi lấy bằng lại… rõ ràng là những chính sách chưa được suy nghĩ một cách thấu đáo.

Thực tế xã hội sẽ chứng minh sự chưa thấu đáo ấy của những chính sách khi được ban hành hoặc “chớm” ban hành. Nhưng cứ mỗi lần sai rồi lại sửa sẽ tạo ra những lãng phí lớn cho xã hội, gây phiền phức cho người dân và giảm uy tín không chỉ của lãnh đạo mà cả giá trị của những chính sách điều hành xã hội của bộ máy công quyền.

Thực ra, có một điểm chung rất rõ trong các chính sách có tính “ngẫu hứng” này đó chính là trục suy nghĩ để giải quyết vấn đề. Đa phần những chính sách không được đồng tình thường là những chính sách nhằm vào mục đích giải quyết những “vấn đề” của bộ, ngành, địa phương mà cốt yếu là vấn đề của chỉ tiêu, thành tích, lợi ích nhóm… chứ không đặt quyền lợi của người dân thành vấn đề có tính tiên quyết.

Chẳng hạn, thay vì giải quyết vấn nạn kẹt xe bằng việc tìm thêm những giải pháp đầu tư, phát triển hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, thì các địa phương, bộ ngành lại loay hoay với những giải pháp cấm xe, cấm đường hoặc phát ngôn né tránh từ kẹt xe, ùn tắc sang… ùn ứ… trong khi nhu cầu đi lại là một nhu cầu có tính thiết yếu và không thể cấm.

Hoặc như lý giải mới đây của lãnh đạo ngành giao thông, rằng việc mất GPLX phải tham gia sát hạch lại là nhằm hạn chế GPLX giả, hạn chế việc người tham gia giao thông cố tình báo mất GPLX để làm thêm nhiều GPLX… Cách làm này có thể cũng có chút ít hiệu quả nhằm giải quyết áp lực GPLX giả đang “đè nặng” lên ngành giao thông, nhưng rõ ràng đó là cách nghĩ cho “vấn đề của ngành” mà không nghĩ cho người dân, cho xã hội.

Không thể đẩy trách nhiệm kiểm soát việc làm giả giấy tờ, GPLX - vốn là việc của các cơ quan chức năng và được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành thành ra trách nhiệm của người dân và đánh đồng những kẻ làm giả giấy tờ, GPLX… với đại bộ phận người dân nói chung. Vì rằng, kẻ nào làm giả GPLX thì chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứ “người dân” nói chung không làm giả GPLX, nên không thể vì những kẻ làm giả giấy tờ mà toàn bộ người dân phải chịu phiền phức, lãng phí. Đây chính là cái sai trong trục suy nghĩ khi giải quyết vấn đề của những người có trách nhiệm.

Còn rất nhiều những bất cập của ngành giao thông mà người dân đang hàng ngày phải “cộng đồng trách nhiệm”, đó là tai nạn giao thông đang càng ngày trở thành nỗi ám ảnh của toàn xã hội, đó là hàng chục trạm thu phí BOT khắp cả nước đang được đặt sai vị trí, đó là việc kiểm soát mức thu BOT thiếu minh bạch đang hàng ngày “móc túi” người dân, đó là việc hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đó là việc chất lượng công trình giao thông yếu kém, trong khi mức đầu tư lại cao ngất ngưỡng vào hàng “top” trên thế giới…

Những bất cập này đang ngày ngày ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của người dân và sự phát triển của đất nước, đòi hỏi bộ máy nhà nước nói chung và ngành giao thông cần phải có những giải pháp thiết thực và quyết liệt. Việc hoạch định chính sách trong giai đoạn hiện nay cần hướng đến những vấn đề có tính cốt lõi, sống còn để giải quyết những bất cập lớn của ngành. Kiểm soát việc làm giả giấy tờ xe, GPLX là cần thiết nhưng không phải là vấn đề cấp thiết so với những tồn tại lớn của ngành giao thông, vậy nên ngành giao thông cần có thứ tự ưu tiên để giải quyết những vấn đề lớn của xã hội liên quan trực tiếp đến ngành giao thông, và đặt quyền lợi của người dân lên trên trong những chính sách của ngành thay vì sa đà vào những tranh cãi nên hay không nên sát hạch lại khi lỡ làm mất GPLX.

Lê Hiền
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN