Quan điểm này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương tới địa phương quán triệt sâu sắc và coi đây là phương châm hành động trong chỉ đạo, điều hành đối với mọi vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh.
Những cuộc đối thoại với dân được chính quyền nhiều địa phương thực hiện trong thời gian qua đã cho thấy, trách nhiệm của người lãnh đạo và mong muốn của người dân cùng gặp nhau ở chỗ: Chính quyền sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết thấu đáo nguyện vọng của người dân. Còn người dân vì lợi ích chung mà sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Đây cũng là sự tương tác, là cầu nối để lãnh đạo chính quyền gần gũi với dân, lắng nghe ý kiến của dân, trên hết là thể hiện quan điểm: Ý Đảng lòng dân.
Đã có không ít bài học được đúc kết thông qua đối thoại nhằm có được sự đồng thuận của người dân. Với cách làm dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, ở nhiều địa phương, chính quyền đã tổ chức đối thoại trực tiếp với dân để tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở, góp phần hạn chế số vụ khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo niềm tin của người dân vào các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Hai sự việc nổi cộm gần đây xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Nam (liên quan đến việc triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt (Quảng Ngãi) và dự án bãi chứa bến thủy nội địa trên sông Đáy (Hà Nam), đã chứng minh rằng: Chỉ có chủ động đối thoại trực tiếp với dân ngay từ khi phát sinh vụ việc, thì những vướng mắc dù lớn đến đâu cũng sẽ được tháo gỡ và giải quyết.
Có điểm chung ở hai dự án tại Quảng Ngãi và Hà Nam là khi triển khai đều chưa được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Hệ quả, suốt một thời gian dài, hơn 22.000 tấn rác thải tại Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn với dự án bãi chứa bến thủy nội địa trên sông Đáy, nhiều người dân ở thôn Trung Hiếu Thượng, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã phản ứng gay gắt bằng cách không cho con em đến trường trong dịp khai giảng năm học mới, gây mất ổn định tại địa phương.
Cuối cùng, với sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, cả hai vụ việc đã tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền với người dân. Theo phản ánh của người dân, sau nhiều buổi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương, tuy chưa thật hài lòng với các giải đáp được chính quyền địa phương đưa ra, nhưng hầu hết người dân đều phấn khởi khi tâm tư, nguyện vọng của họ đã được chính quyền lắng nghe, giải đáp thấu đáo. Qua đó, người dân chia sẻ với những khó khăn của chính quyền, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Không chỉ ở Quảng Ngãi, Hà Nam, để có thêm cơ hội đối thoại trực tiếp với dân, thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cấp đã mở email cá nhân lắng nghe nguyện vọng cũng như tiếp thu ý kiến, quan điểm của người dân về một chủ trương, chính sách cũng như những vướng mắc cần được tháo gỡ. Qua kênh thông tin này, lãnh đạo chính quyền địa phương thể hiện sự cầu thị, tiếp thu những đóng góp tâm huyết của dân phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển giáo dục, thu hút nhân tài... Qua đây, người lãnh đạo cũng kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc trong mối quan hệ với dân, thấy được những hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành, những vấn đề cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết, cũng nhằm tìm ra một mô hình phát triển phù hợp, hoàn thiện, vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong tiến trình đổi mới, phát triển, có rất nhiều thách thức đặt ra đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, đặc biệt là khả năng lãnh đạo của các cấp chính quyền chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống. Tại không ít địa phương, đơn vị đã xuất hiện và tồn tại những điểm nóng, gây bức xúc cho người dân, cản trở tới sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, ở những địa phương này, việc đối thoại với dân chưa được tổ chức kịp thời, thậm chí không được các cấp lãnh đạo coi trọng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, như quyền dân chủ của người dân bị vi phạm, gây mất an ninh trật tự, kẻ xấu lợi dụng kích động chống phá…
Trong các văn bản, nghị quyết của Đảng đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại với dân. Đây cũng được coi là một giải pháp nhằm phát huy dân chủ, hướng tới bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhưng đáng tiếc, không phải người lãnh đạo nào, địa phương nào cũng nhận thức được đầy đủ ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của công tác này. Cụ thể, Luật Tiếp công dân đã được ban hành, tuy nhiên một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện để đưa luật và nghị định vào cuộc sống.
Cần khẳng định rằng, việc đối thoại để tìm sự đồng thuận với dân là một việc làm phù hợp với xu thế phát triển. Đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân cũng là cách “dân vận” linh hoạt, không những giải quyết tận gốc vấn đề bức xúc trong dân, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, mà còn tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Do vậy, việc đối thoại với dân rất cần sự lan tỏa và đòi hỏi cao về thực chất. Để làm được điều này, trước hết cần phải kiên quyết loại bỏ kiểu đối thoại mang tính hình thức, đối phó như đã từng diễn ra ở không ít bộ, ngành, địa phương thời gian qua.