Du lịch bền vững là khái niệm không mới đối với du lịch Việt Nam. Nhưng ở thời điểm kinh tế thế giới đang khủng hoảng; hoạt động du lịch chịu nhiều tác động và gặp không ít khó khăn, thì du lịch bền vững trở thành mối quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển của ngành du lịch nước nhà. Các nhà làm du lịch đều hiểu rằng, sự “ăn xổi” trong đầu tư, phát triển du lịch sẽ phải trả giá do những hệ lụy mà nó gây ra. Vấn đề là phải làm gì và làm như thế nào để ngành du lịch nước ta phát triển du lịch bền vững!
Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều địa phương trong cả nước chọn du lịch bền vững làm định hướng phát triển. Người ta quan niệm, phát triển du lịch bền vững chính là "du lịch xanh", gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, danh lam thắng cảnh; khai thác các giá trị của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phục vụ phát triển du lịch. Thẳng thắn nhìn nhận, loại hình du lịch này chỉ ở mức phát triển tự phát, nó chưa định hình bằng những hoạch định, kế hoạch cụ thể. Nói cách khác, loại hình du lịch xanh mới chỉ ở mức do một vài doanh nghiệp khởi xướng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, du lịch sông Hồng ra đời như một loại hình du lịch mới mẻ, gây sự tò mò đối với du khách: Đi tàu thủy dọc sông Hồng ngắm cảnh sông nước mênh mang, tham quan di tích và các làng cổ. Đến nay, du lịch sông Hồng vẫn tồn tại, nhưng không còn được hấp dẫn như trước, bởi nó không được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất tàu thuyền, hạ tầng bến bãi, các dịch vụ du lịch và sự phối hợp đầu tư tại điểm đến… Rồi các sản phẩm du lịch sinh thái, đạp xe khám phá làng quê nông thôn và cuộc sống người dân ngoại thành Hà Nội; gần đây nhất, là các tua du lịch khám phá phố cổ Hà Nội, tham quan Hồ Tây bằng xe điện, bố trí cho khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực làng cổ Đường Lâm, du lịch nông nghiệp… Có thể nói, các sản phẩm du lịch này khá hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi ngoài sự thân thiện với môi trường, với cuộc sống; du khách còn tự mình khám phá, cảm nhận những nét riêng của mỗi vùng miền.
Tuy vậy, phát triển du lịch xanh mới được ghi nhận bước đầu ở việc xây dựng sản phẩm du lịch là chính; việc bảo vệ cảnh quan môi trường, di tích tại điểm đến cũng còn nhiều điều cần bàn. Bởi sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan chưa thực sự quyết liệt; còn xảy ra tình trạng rác thải bừa bãi, cảnh quan bị xâm hại, các dịch vụ du lịch lộn xộn, môi trường tại các cơ sở lưu trú, cho dù đã cải thiện nhưng chưa thật triệt để...
Khách quan mà nói, tuy mới chỉ ở mức độ tự phát, nhưng “Du lịch xanh” đã có những đóng góp không nhỏ về mặt kinh tế, mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường, tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Vấn đề là cần có những giải pháp phù hợp để phát huy được mặt tích cực của loại hình du lịch này và nhân rộng đến nhiều địa phương khác.
Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững, du lịch xanh, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đặc biệt ưu tiên phát triển các dự án du lịch có yếu tố thân thiện với môi trường, đồng thời coi đó là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của địa phương. Cụ thể, một số địa bàn du lịch trọng điểm thực hiện phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn, bảo vệ môi trường, sinh thái, xã hội. Nhiều địa phương khuyến khích phát triển du lịch bền vững, yêu cầu các bên liên quan phải có trách nhiệm với môi trường, xã hội; xây dựng quy chế cụ thể khai thác du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, liên kết với cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường…