Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa đưa ra con số không mấy lạc quan: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 giảm 9,62% so với tháng 4, trong đó chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc giảm. Con số trên cũng cho thấy, du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm, ngay lập tức phải chịu ảnh hưởng và thiệt hại từ những tác động trực tiếp của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường có số lượng khách quốc tế đứng đầu của du lịch Việt Nam (chiếm 25% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam). Câu hỏi được đặt ra, với việc khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đang trong xu hướng giảm, liệu có làm ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay?
Tại Hội nghị của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, đã có những ý kiến tranh luận giữa đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch... xung quanh những bất cập và những giải pháp cần tháo gỡ cho hoạt động du lịch trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến tiêu cực.
Vậy ngành Du lịch đã có giải pháp gì nhằm ngăn chặn sự sụt giảm? Đề cập vấn đề vĩ mô, một đại biểu nêu vấn đề, cần sự đổi mới trong cách tiếp thị du lịch. Lâu nay, công tác tiếp thị du lịch chỉ được chú trọng ở thị trường Trung Quốc, nơi được đánh giá là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam; ít chú ý tới các thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Bắc Âu, Nga, Australia, Hàn Quốc…
Do vậy, cần sự thay đổi “tư duy” trong cách tiếp thị du lịch. Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu đề cập, cần phải đặc biệt chú trọng tới việc tạo dựng một môi trường du lịch thân thiện với du khách. Báo chí từng nhiều lần lên tiếng về những hành vi chèo kéo, "chặt chém", bám khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai..., gây ấn tượng xấu với du khách. Vậy nên, khái niệm "du lịch có trách nhiệm" được xới lên không chỉ là một đòi hỏi tất yếu, mà còn nhằm làm thay đổi tư duy về phát triển du lịch nước nhà.
Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, Chính phủ yêu cầu các địa phương tự chủ hơn trong quá trình triển khai "du lịch có trách nhiệm" nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội của chính địa phương. Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang đứng trước thực trạng phát triển thiếu tính bền vững và cạnh tranh thiếu lành mạnh, thì việc triển khai "du lịch có trách nhiệm" cần được ứng xử như một phương thức tiếp cận cơ bản nhằm đem đến lợi ích thiết thực không chỉ cho du khách nước ngoài, mà cho cả khách du lịch nội địa.
Muốn vậy, cần phải xây dựng một hệ thống trách nhiệm (văn hóa, kinh tế xã hội, môi trường...) và các giải pháp thực thi nghiêm ngặt. Cụ thể, khi phát triển các dự án du lịch, cần đánh giá tác động kinh tế-xã hội, xác định rõ ưu tiên loại hình nào phát triển phù hợp, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới đời sống của họ. Phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ các di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường...
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, như các bộ, ngành cần phối hợp rà soát các thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong môi trường du lịch; tăng cường đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch; sự nỗ lực, phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành du lịch nhằm tạo môi trường thân thiện cho du khách.
Nhưng để môi trường du lịch thật sự trong sạch, trước hết cần gạt bỏ cho được thói trục lợi, kiếm tiền bất chính trong hoạt động du lịch. Ðã đến lúc, phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết nhằm xử lý triệt để và làm thay đổi căn bản ý thức làm du lịch chộp giật. Việc làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách phải từ những việc nhỏ như một nụ cười thân thiện, bán đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn...
Muốn thế, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều địa phương và sự cộng tác của mỗi người dân. Không phát huy được vai trò của người dân thì khó hy vọng vào một môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách.
Yến Nhi