Cồn Cỏ đang được phát triển để trở thành đảo du lịch vào năm 2020 và phấn đấu đón du khách vào năm 2015. Đó là định hướng phát triển của huyện đảo, được ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ chia sẻ với báo Tin Tức.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Cồn Cỏ vốn là nơi “đầu sóng ngọn gió” của tỉnh Quảng Trị trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cùng với truyền thống lịch sử hào hùng, Cồn Cỏ còn có một hệ sinh thái đa dạng. Trong đó, rừng chiếm hơn 70% diện tích đảo và là hệ sinh thái khá hiếm của đảo núi lửa. Theo ông Lê Quang Lanh, Cồn Cỏ có môi trường trong lành, hoang sơ, ít chịu sự tàn phá của con nguời. Đảo có nước ngọt, nước biển trong, nhiệt độ chênh lệch không lớn. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có. Tháng 4/2010, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ chính thức đi vào hoạt động với quy mô diện tích mặt nước gần 4.400 ha, bao gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, còn gọi là vùng lõi (534 ha), vùng phục hồi sinh thái (gần 1.400 ha) và vùng phát triển (gần 2.400 ha). Ngoài ra, còn có vùng phát triển cộng đồng và vành đai khu bảo tồn.
Khu vực biển đảo Cồn Cỏ cũng là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, với khoảng 113 loài san hô được đánh giá đang trong tình trạng rất tốt, đa dạng về thành phần loài. Có nơi mật độ san hô dày, hình khối rất đẹp. Đi liền với hệ san hô là hệ động thực vật, nhuyễn thể, giáp xác khá phong phú như rong biển, sao xanh, hải sâm, dư chuột biển và nhiều thủy, hải sản có giá trị khác... Với tiềm năng to lớn đó, khi được đầu tư, Cồn Cỏ sẽ trở thành địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá biển hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Xây dựng hồ chứa nước ngọt trên đảo Cồn Cỏ. |
Bên cạnh hệ sinh thái đa dạng, Cồn Cỏ đang tập trung phát triển một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên đảo như hệ thống âu tàu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá. Các tuyến đường giao thông trên đảo phục vụ đi lại của nhân dân và phục vụ du lịch cũng dần hình thành, tạo nên diện mạo khang trang cho Cồn Cỏ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, đảo Cồn Cỏ chỉ cách Cửa Tùng 15 hải lý, cách Cửa Việt 17 hải lý về phía đông bắc, cách Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) 13 hải lý về phía đông. Với khoảng cách tương đối gần này, chỉ mất chừng một giờ tàu chạy là có thể đến đảo. Nếu xây dựng thành công tuyến du lịch tại Cồn Cỏ, sẽ hình thành tuyến tam giác du lịch “Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ” hết sức độc đáo và ấn tượng của không chỉ Quảng Trị mà còn cả dải đất miền Trung. |
Cũng theo ông Lê Quang Lanh, để Cồn Cỏ phát triển thành đảo du lịch, phải tính đến là liệu có sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển du lịch? “Lời giải cho bài toán này nằm ở khâu quy hoạch. Khi đã xác định một khu vực thuộc diện bảo tồn thì việc phát triển kinh tế - xã hội phải dựa vào quy hoạch tổng thể, hợp lý và dài hạn nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của khu bảo tồn. Điều đó chỉ có thể thực hiện tốt khi việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có sự tham gia của những người làm công tác bảo tồn”, ông Lê Quang Lanh nhấn mạnh.
Nhằm biến những tiềm năng, lợi thế du lịch trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế, UBND huyện Cồn Cỏ, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, các nhà đầu tư đã thống nhất bước đầu về địa điểm lưu trú, nghỉ dưỡng, khu vui chơi, đặc sản địa phương, các phương tiện ra vào đảo để sớm mở tour du lịch trong thời gian tới.
Minh Huy