Lại thêm một vụ việc đau lòng vừa xảy ra cách đây ít ngày khi một người dân ở xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã bị thiệt mạng do dùng ròng rọc đu trên dây cáp bắc qua sông Krông Ana để đi làm rẫy. Không phải bây giờ sự nguy hiểm khi người dân ở những vùng chưa có cầu đu dây qua sông, mà từ lâu vấn đề cầu treo dân sinh đã được dư luận cảnh báo.
Sau vụ đứt dây cáp, sập cầu treo Chu Va 6 ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) cuối tháng hai vừa qua, vấn đề an toàn của những chiếc cầu treo dân sinh và việc cần phải khẩn trương xây dựng những chiếc cầu treo mới ở các địa bàn khó khăn lại được dư luận xới lên, như một đòi hỏi bức bách và không thể chậm trễ.
Trước thực trạng người dân xung quanh khu vực từng xảy ra tai nạn vẫn tiếp tục đu dây qua sông, các địa phương đã có những khảo sát, tìm giải pháp khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa có một phương án khả thi nào để chấm dứt tình trạng đu dây. Các điểm lắp cáp treo tự chế thường bắc qua sông, suối vắng để phục vụ việc làm nương rẫy, vận chuyển nông sản. Những điểm này không có cầu, dân cũng không dám vượt sông bằng thuyền, vì mùa mưa lũ nước chảy xiết. Chỉ với một sợi dây cáp và một số cọc tự chế đóng cố định hai bên bờ sông, suối, tùy địa hình mà dây cáp được bố trí dài ngắn, cao thấp khác nhau.
Có lẽ việc tự chế một cáp treo đơn giản vậy, nên người dân ở rất nhiều nơi chưa có cầu treo áp dụng và có nguy cơ lan rộng nếu không có giải pháp ngăn chặn.
Có người đặt câu hỏi, tại sao chính quyền địa phương không có biện pháp kiên quyết, như cấm người dân sử dụng các phương tiện tự chế không bảo đảm an toàn để qua sông, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn những người cố tình vi phạm... Điều quan trọng là phải có trách nhiệm đảm bảo sự đi lại của người dân ở địa bàn chưa xây dựng cầu; như bố trí các phương tiện như thuyền bè, áo phao, bến bãi... hoặc yêu cầu người dân chịu khó đi vòng sẽ an toàn hơn.
Nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án với tổng số 7.500 cầu treo dân sinh các loại trên địa bàn toàn quốc. Theo kế hoạch, giai đoạn một của đề án sẽ triển khai 186 cây cầu ở những địa bàn cấp thiết nhất. Song, theo như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đến giờ này vẫn chưa được cấp kinh phí để triển khai; người dân ở vùng khó khăn chưa có phương tiện qua sông, vì mưu sinh nên vẫn tiếp tục đánh cược số phận với tử thần. “Tư lệnh” ngành Giao thông Vận tải lý giải rằng, tại những đoạn qua sông suối mà có người dân đi qua rất cần thiết phải xây dựng những cây cầu qua đó.
Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và của địa phương. Nhưng Bộ trưởng Thăng cũng chia sẻ với khó khăn của địa phương khi chưa bố trí được kinh phí. Còn với Bộ Giao thông Vận tải, thì kinh phí để xây cầu cũng vượt ngoài tầm giải quyết của một ngành. Một giải pháp theo Bộ trưởng Thăng dễ khả thi, là đề nghị các nhà thầu bỏ tiền ra làm trước, sau đó đề nghị Nhà nước bố trí vốn (khoảng 1.000 tỷ đồng) trong tổng số 11.000 tỷ (cho 7.500 cây cầu theo dự kiến) để làm dần.
Cần phải khẳng định rằng, cầu treo có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở miền núi. Cây cầu giúp người dân địa phương đi lại thuận tiện, con em của họ đến trường không còn phải lội qua sông qua suối khi mùa mưa đến. Thế nên, dù khó khăn đến mấy thì việc đầu tư kinh phí để xây dựng những cây cầu treo dân sinh cũng phải được quan tâm giải quyết. Mạng sống con người là không thể đem ra đánh cược. Hãy hành động ngay để không phải chứng kiến thảm họa tương tự như vụ chết người vì đu dây xảy ra ở huyện Krông Bông (Đắk Lắk).
Yến Nhi