Đã một thời gian dài, người dân các quận nội thành Hà Nội hằng ngày phải hứng chịu ô nhiễm từ các thùng rác ngay tại các điểm nút giao thông, gần các nhà chờ xe buýt, thậm chí gần trường học... Khó có thể liệt kê hết những hệ lụy từ chuyện rác thải ở Thủ đô. Nhưng có thể thấy rõ, chất lượng cuộc sống của người dân đang bị giảm sút khi tình trạng thu gom rác chưa được giải quyết thỏa đáng.
Tác hại của việc thu gom rác bừa bãi không chỉ làm làm ô nhiễm môi trường sống, mà còn gây mất mỹ quan đường phố, làm cho đường phố không còn trật tự và văn minh đô thị, làm mất đi vẻ thanh lịch của con người và phố phường Thủ đô. Rất nhiều khu vực công cộng ở các quận nội thành đang bị các điểm tập kết rác làm mất mỹ quan như cổng trường Đặng Trần Côn, Trường Việt Nam - Angieri, khuôn viên khu tập thể Khương Thượng; điểm sát nhà chờ xe buýt đối diện số 306 Khâm Thiên; điểm tập kết đầu ngõ số 2 phố Thái Hà (quận Đống Đa) ngay trước bến xe buýt… Nhiều điểm công cộng trở thành các bãi rác tự phát. Vấn đề tưởng như rất nhỏ đang trở thành bức xúc tại nhiều khu dân cư. Cử tri một số quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình… nhiều lần kiến nghị vấn đề này tại các cuộc tiếp xúc đại biểu HĐND thành phố.
Theo tính toán của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, tổng lượng rác thải sinh hoạt trên toàn thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ thu gom xử lý khu vực nội thành là 98-100%, ngoại thành 87%; ngoài ra, mỗi ngày phát sinh 750 tấn rác thải công nghiệp và trên 8 tấn rác thải y tế. Hiện nay, ngoài Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, còn có nhiều đơn vị khác cùng tham gia thu gom rác như Công ty cổ phần Thăng Long, Công ty cổ phần Tây Đô, Công ty cổ phần Xanh, Hợp tác xã Thành Công... nhưng chỉ đủ sức thu gom khoảng 95% lượng rác thải sinh hoạt (ở các quận nội thành) và khoảng 60% (ở các tuyến ngoại thành). Rác sinh hoạt không được chuyển hết, lâu ngày lưu cữu bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến người dân sống quanh khu vực tập kết rác thải phải gánh hậu quả.
Điều đáng quan tâm, do không có quy định giờ hoặc nếu có thì không được chấp hành nghiêm túc nên việc thu gom, quét dọn rác, rửa đường hay xảy ra tình trạng “ngẫu hứng”, tùy tiện; người đi đường tha hồ hít bụi, dính bẩn. Rất nhiều tuyến phố chính ở Thủ đô, vào giờ cao điểm, không hiếm gặp cảnh nhiều công nhân đẩy xe thu gom rác chen chúc giữa dòng người. Những chiếc chổi dài tới hơn 1m khua tới khua lui làm bụi bay mù mịt. Cả những chiếc xe quét, rửa đường thường hoạt động vào ban ngày, chiếm mất nhiều diện tích mặt đường, tiếng ồn lớn; hệ thống "chổi" cuốn rác, khiến bụi đất cuốn tung mù mịt, gây ô nhiễm, che khuất tầm nhìn của người đi đường, rất dễ gây tai nạn và ùn tắc giao thông.
Giao thông vào giờ cao điểm ở Thủ đô, đường chật người đông, lại luôn phải tránh những chiếc xe chất đầy rác, vừa mất vệ sinh, vừa rất nguy hiểm. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao người ta lại để công nhân quét dọn vệ sinh đúng vào giờ người người đổ ra đường?
Đánh giá về tình trạng vệ sinh môi trường ở nước ta do Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây: Vệ sinh môi trường kém đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của Việt Nam khoảng 780 triệu USD mỗi năm, tương đương 1,3% GDP. Trong phạm vi một thành phố lớn như Hà Nội, vấn đề vệ sinh môi trường lại càng bức bách hơn. Đó cũng là một trong những việc cần phải khẩn trương thay đổi khi thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị” của Hà Nội.
Yến Nhi